Tuyến đường 88km lớn nhất cao tốc Bắc - Nam được đầu tư 20.400 tỷ: Chậm tiến độ, khó khăn chồng chất
Tuyến đường dài 88km là dự án lớn nhất trong tổng số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20.400 tỷ đồng.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, là dự án lớn nhất trong tổng số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Tổng chiều dài cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là 88km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khởi công ngày 1/1/2023. Thời gian thi công phần cầu, đường là 34 tháng và phần hầm là 42 tháng, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào quý III/2026. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, dự án đang gặp phải một số vướng mắc khiến tiến độ thực hiện không theo kế hoạch.
Trên báo điện tử VOV, ông Cao Việt Hùng - Phó Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, hiện nay, giá trị sản lượng của dự án đang chậm khoảng 0,5% so với kế hoạch. Các hạng mục chính trong dự án gồm: Đường, cầu và 3 hầm. Trong số 3 hầm có hầm số 1 và số 2 đang vượt so với kế hoạch. Riêng hầm số 3 là hầm xuyên núi dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định có địa chất phức tạp nên công tác thi công được nhà thầu triển khai rất thận trọng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn. Hiện nay, tiến độ thi công ống hầm trái đạt 796/3.200m, ống hầm phải đạt gần 854/3.200m. Nhà thầu và chủ đầu tư quyết tâm hoàn thành hầm số 3 vào cuối năm 2025.
Với 79 cầu trên tuyến về cơ bản tiến độ đạt kế hoạch, trong đó cầu lớn nhất vượt sông Vệ đang thi công mặt cầu.
Tiến độ thi công công trường hiện cũng gặp vấn đề đáng lo ngại khi tổng khối lượng nền đất đắp rất lớn trên 10 triệu m3. Tiến độ thi công nền đường gặp nhiều khó khăn bởi vấn đề giải phóng mặt bằng khi phía tỉnh Quảng Ngãi còn vướng mắc 1,8km mặt bằng chưa được bàn giao. Bên cạnh đó, các vấn đề về mỏ vật liệu, vận chuyển vật liệu cũng trở thành những khó khăn khiến dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, trong tháng 4/2024, toàn dự án đã triển khai 43 mũi thi công, huy động gần 3.200 nhân sự, hơn 1.100 máy móc, thiết bị ra công trường. Đặc biệt, dự án lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cũng được áp dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất trong quá trình xây dựng.
Cụ thể, ứng dụng công nghệ số nâng cao quản trị dự án khi sử dụng khi sử dụng các thiết bị LiDAR hoặc 3D-Laser Scaning, kết hợp mô hình BIM trên điện toán đám mây nhằm đáp ứng một số mục tiêu: Kiểm soát địa hình, khối lượng, hiện trạng dự án; quản lý chất lượng, tiến độ trong giai đoạn thi dự án thông qua việc số hóa kết cấu công trình; vật tư, thiết bị, máy móc trên công trường, xác định chính xác khối lượng đào đắp, kích thước hình học của kết cầu đường,…
Trong giai đoạn khảo sát và thiết kế, ứng dụng công nghệ số giúp tối ưu hóa công tác khảo sát và thiết kế; thông qua hệ thống thiết bị quét tự động 3D-Laser-Scanning và bay chụp LiDAR nhằm hạn chế sự can thiệp của bằng tay của con người, tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh và chính xác trong hệ thống cơ sở dữ liệu.
Trong công tác quản lý dự án sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và Big Data, công nghệ nhân bản, song sinh kỹ thuật số Digital Twins và hệ thống thiết bị 3D-Laser Scanning để đánh giá định kỳ, phát hiện thay đổi và dự báo phòng ngừa các sự cố...
Ngoài ra, ứng dụng thiết bị LiDARpod gắn trên xe sẽ thực hiện kiểm tra đo vẽ bề mặt để phát hiện mức độ chuyển vị, biến dạng, khuyết tật, hư hỏng, vết nứt, bong tróc của công trình đang khai thác. Tiếp đó dữ liệu Scanning sẽ được tự động chuyển sang phần mềm CAD Drawing và CAD-Revit để cung cấp cho việc thiết kế, sửa chữa gia cường và bảo trì.