Dứt điểm 8B Lê Trực, Cát Linh-Hà Đông: Bài học đắt giá...

Sai phạm 8B Lê Trực và đường sắt Cát Linh - Hà Đông được giải quyết trong năm 2020 nhưng bài học thì đắt giá...

Ngày cuối cùng của năm 2020, bàn về những điểm nóng của TP. Hà Nội trong năm qua với Đất Việt, TS Nguyễn Nhất Thành - thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội đánh giá, đây có thể được coi là một năm thành công của Thủ đô khi ổn định được tình hình dịch bệnh Covid-19 và xử lý được nhiều điểm nóng mà dư luận cả nước quan tâm trong nhiều năm qua.

Hai điểm nóng mà ông Thành cho rằng nổi bật nhất là sai phạm trong xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực (Q.Ba Đình) và tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

"Trong năm 2020, xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực đã được thực hiện, tuy chưa triệt để trở lại hiện trạng ban đầu như giấy phép được cấp nhưng chiều cao công trình đã được hạ thấp, người mua nhà ở đây có cơ hội nhận nhà trong năm 2021 sau nhiều năm chờ đợi.

Còn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang vận hành chạy thử nghiệm để chuẩn bị cho việc đi vào khai thác chính thức khoảng đầu năm 2021 sau cả chục năm trời thi công, nhiều lần lỡ hẹn" - ông Thành cho hay.

Dứt điểm 8B Lê Trực, Cát Linh-Hà Đông: Bài học đắt giá... - Ảnh 1
Toàn nhà 8B Lê Trực đã được cắt ngọn xuống còn 16 tầng.

Tuy vậy, theo ông Thành, đây mới chỉ là thành công bước đầu của đô thị TP. Hà Nội, đằng sau đó còn rất nhiều việc phải làm, đồng thời cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong xử lý 2 điểm nóng này để tránh những điều tương tự có thể xảy ra ở những dự án tiếp theo.

Đối với tòa nhà 8B Lê Trực, ông Thành cho rằng, xử lý sai phạm hiện nay mới chỉ giải quyết được vấn đề giữa cơ quan chức năng đối với chủ đầu tư, còn điều phức tạp hơn là quyền lợi của người dân mua nhà ở đây vẫn chưa được giải quyết.

Công trình này phải mất 5 năm, từ khi phát hiện cho tới khi bắt tay vào xử lý mới có được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, quyền lợi của người dân tại tòa nhà này vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, vẫn còn những vết gợn mà người dân phản ánh, đòi quyền lợi của mình với chủ đầu tư mà chưa được giải quyết.

"Đây là vấn đề khó, nếu không xử lý được những vết gợn đó thì dễ tạo ra điểm nóng với những vấn đề mới mà có thể nhiều năm nữa mới giải quyết xong.

Qua vụ việc này cũng có thể thấy, chỉ một sai sót trong quá trình làm việc cũng có thể buộc cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương phải vào cuộc giải quyết, tốn cả thời gian, công sức và tiền bạc. Đó là bài học kinh nghiệm trong trong tác quản lý, xử lý sai phạm, làm sao để tránh những điểm nóng tương tự có thể xảy ra trong tương lai?' - ông Thành bày tỏ.

Còn với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Thành bày tỏ sự vui mừng khi mỗi lần đi qua cũng đường Nguyễn Trãi - Trần Phú được chứng kiến đoàn tàu sáng đèn chầm chậm chạy thử trên cao. Nhưng bản thân ông không tránh được những lo lắng, đó là khi đoàn tàu đi vào vận hành sẽ giải quyết bài toán ách tắc giao thông thế nào? Lấy đâu ra 650 tỷ đồng mỗi năm từ việc vận hành đoàn tàu để trả nợ cho vốn vay từ Trung Quốc khi thực hiện dự án?

"Đường sắt Cát Linh - Hà Đông muốn hoạt động hiệu quả thì cần phải được kết nối với những tuyến đường sắt trên cao còn lại đang xây dựng ở TP. Hà Nội, bên cạnh đó là sự đồng bộ cùng với các loại hình giao thông công cộng khác.

Tuy nhiên, tôi chưa thấy được sự kết nối, đồng bộ với đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở thời điểm hiện tại, khi mà các dự án khác như Nhổn - ga Hà Nội đang thực hiện chưa rõ ngày thông tuyến, các tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Dương Xá, Nội Bài - Nam Thăng Long... vẫn còn đang nằm trên giấy.

Đó là chưa kể việc dự án Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm triển khai, đến ngày vận hành thì có một số hạng mục của dự án đang xuống cấp, đòi hỏi phải có sự quản lý, theo dõi sát sao từ chính quyền Hà Nội mới đảm bảo được sự an toàn cho người sử dụng và chất lượng công trình.

Dứt điểm 8B Lê Trực, Cát Linh-Hà Đông: Bài học đắt giá... - Ảnh 2
Tàu Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn chạy thử để vận hành chính thức trong năm 2021.

"Hai điểm nóng trên đã được giải quyết nhưng còn chậm trễ, nguyên nhân đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan nhưng người dân thì chỉ nhìn vào kết quả thực hiện"- ông Thành bày tỏ.

Ngọc Khánh

Theo Báo Đất Việt