Fed hạ lãi suất sâu: Chờ tới năm sau mới 'ngấm' đến Việt Nam?
Các chuyên gia cho rằng, việc Fed cắt giảm lãi suất dù ít hay nhiều cũng đều tác động đến nền kinh tế Việt Nam nhưng có thực sự phát huy tác dụng hay không, phải chờ đến năm sau. Nguyên nhân là vì độ trễ chính sách tiền tệ khá lâu chưa kể sự truyền dẫn từ chính sách Mỹ sang Việt Nam sẽ càng lâu hơn.
Sáng nay (19/9), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định giảm lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất xuống chỉ còn 4,75 - 5%.
Theo thông báo từ cuộc họp FOMC, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, lần đầu tiên sau một chuỗi dài thắt chặt chính sách nhằm kiểm soát lạm phát. Động thái này diễn ra sau khi lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, tiến gần đến mức mục tiêu 2%, với dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2% trong năm 2024 và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ở mức 4,4%.
Hạ lãi suất: ác động tích cực đến kinh tế Việt Nam
Quyết định này không chỉ là tín hiệu tích cực về khả năng kiểm soát lạm phát tại Mỹ mà còn có tác động lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam. Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và vốn ngoại, kinh tế Việt Nam đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức trước biến động này.
Đánh giá tác động của việc Fed cắt giảm lãi suất đối nền kinh tế Việt Nam, ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và Phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, việc này sẽ mang lại một số tác động tích cực có thể kể đến như: giảm lãi suất, dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài.
Tỷ giá ổn định cũng góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, làm tiền đề hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc duy trì một tỷ giá ổn định cũng thể hiện niềm tin đối với đồng nội tệ tăng lên, giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng, sự giảm giá của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng có tác động tích cực đối với tỷ giá của đồng Việt Nam so với đồng tiền này.
Nếu tỷ giá bớt áp lực và trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá nữa, khả năng giữ lãi suất thấp của Việt Nam vẫn còn. Thực tế trong bối cảnh áp lực tỷ giá vơi bớt gần đây, NHNN đã thực hiện một loạt biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Tất cả những động thái này cho thấy định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn”, ông Huân cho biết.
Nhưng sẽ có độ trễ
Ở góc độ khác, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Fed giảm lãi suất dù ít hay nhiều đều sẽ tác động lên nền kinh tế Việt Nam, song sẽ có độ trễ. Nhưng trước đó, các nhà đầu tư đã hành động và việc này đã tạo ra sự đảo chiều về dòng vốn từ Mỹ sang các nước mới nổi cũng giảm áp lực phần nào.
“Để đánh giá được chính sách tiền tệ của Mỹ có thực sự phát huy tác dụng hay không, phải chờ đến năm sau, vì độ trễ chính sách tiền tệ khá lâu, chưa kể sự truyền dẫn từ chính sách Mỹ sang Việt Nam sẽ càng lâu hơn”, ông Huân nói.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam có thay đổi hay không cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình tỷ giá. Nếu tỷ giá ổn và dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam nhiều, khi đó mới có thể chủ động giảm lãi suất.
Thời gian qua, tỷ giá ổn định là do Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để tránh hiện tượng đầu cơ tỷ giá. Nhưng mặt trái là làm cho lãi suất tăng. Lãi suất liên ngân hàng tăng thì lãi suất huy động tăng, đó là sự đánh đổi. Muốn duy trì lãi suất thấp thì phải hy sinh tỷ giá và ngược lại.
Theo quan điểm của Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM, Công ty Chứng khoán DSC, dù việc Fed cắt giảm lãi suất có thể giúp nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi, song cũng cần theo dõi kịch bản suy thoái của kinh tế Mỹ.
Bởi, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, nên nếu việc cắt giảm lãi suất xuất phát từ lo ngại kinh tế suy thoái đồng nghĩa với nguy cơ lợi nhuận kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp sẽ suy giảm. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới các lớp tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán.
Ông Trump chỉ trích Fed 'chơi trò chính trị' sau mức cắt giảm 0,5% lãi suất
Tài chính quốc tế
(VNF) - Sau quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều người cho rằng việc này cũng giống như việc can thiệp vào chính sách vì được thực hiện vào thời điểm gần đến ngày bầu cử Tổng thống. Cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã lên tiếng phản đối động thái của Fed.