FLC GAB bị nhiều đơn vị kiểm toán từ chối soát xét 6 tháng do liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết
Theo báo cáo tự lập, CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB) ghi nhận lãi sau thuế quý II/2022 hơn 1 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ, song, chi phí lãi vay cao đã nhấn chìm lợi nhuận bán niên 2022. FLC GAB cho hay, công ty đã mời nhiều công ty kiểm toán nhưng đều bị từ chối vì nguyên nhân khách quan liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết.
FLC GAB chưa tìm được đơn vị kiểm toán
CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC - FLC GAB (Mã chứng khoán: GAB) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về vấn đề công bố BCTC soát xét bán niên 2022.
Theo quy định, công ty phải công bố BCTC bán niên đã soát xét trong thời hạn 5 ngày kể từ khi tổ chức kiểm toán ký báo cáo nhưng không vượt quá 45 ngày kể từ khi kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị kiểm đều từ chối hợp tác để thực hiện soát xét BCTC bán niên 2022 của GAB mặc dù phía công ty đã thuyết phục các đơn vị kiểm toán nhưng đến nay vẫn chưa tìm được. Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn tới sự việc do liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra về việc thao túng thị trường chứng khoán Việt Nam.
FLC GAB khẳng định việc ông Trịnh Văn Quyết không không tham gia điều hành, chỉ đạo các hoạt động nên việc khởi tố là việc cá nhân của ông Quyết.
"FLC GAB không tham gia kinh doanh, đầu tư chứng khoán nên không liên quan đến các giao dịch, hoạt động chứng khoán mà hiện nay cơ quan điều tra đang thực hiện...".
Lãnh đạo GAB mong muốn HOSE nhìn nhận đây là sự kiện bất khả kháng. FLC GAB cũng nêu cam kết sẽ nhanh chóng tìm kiếm đơn vị kiểm toán để hoàn thiện báo cáo theo quy định của pháp luật.
FLC GAB báo lỗ 6 tháng đầu năm
Theo báo cáo tự lập của GAB, doanh thu quý II/2022 tăng 9% lên hơn 100 tỷ đồng; lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của GAB, lợi nhuận quý II tăng nhờ tăng doanh số bán hàng nông sản thêm 12 tỷ đồng, trong khi doanh số bán gạch chỉ giảm hơn 3 tỷ đồng. Trong kỳ, GAB duy trì được các đối tác truyền thống và ký kết thêm các hợp đồng cung cấp mới về nông sản, nhờ đó đem lại nguồn thu gia tăng và cải thiện về chỉ tiêu lợi nhuận.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, GAB ghi nhận doanh thu thuần đi ngang đạt 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay cao đã nhấn chìm lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả, GAB báo lỗ 22 triệu đồng, trong khi bán niên 2021 lợi nhuận đạt 93 triệu đồng.
Hiện công ty có quy mô tổng tài sản chỉ đạt hơn 240 tỷ đồng, phần lớn lại nằm ở các khoản phải thu khi chiếm gần 150 tỷ đồng. Khoản vay nợ duy nhất phát sinh tại ngân hàng Quân đội với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Công ty này đưa cổ phiếu GAB lên sàn ngày 11/7/2019 với giá đứng tại 14.400 đồng. Sau đó mã chứng khoán này tạo nên con sóng lớn leo đỉnh lịch sử gần 197.000 đồng.
Tuy nhiên sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt thì GAB đã bị mất thanh khoản và đi ngang tại mức giá 196.400 đồng. Tính từ tháng 4 đến nay, cổ phiếu GAB là một trong các cổ phiếu đắt giá hàng đầu trên sàn chứng khoán.
Tại FLC GAB, ông Trịnh Văn Quyết đang là cổ đông nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất chiếm hơn 51% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu khoảng 1.495 tỷ đồng.