Forbes gọi tên 7 tỷ phú USD tại Việt Nam, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lần đầu có tên trong danh sách
Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có đến 7 đại diện với sự xuất hiện lần đầu của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nova Group.
Việt Nam lần đầu tiên có 7 tỷ phú USD
Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có đến 7 đại diện - con số nhiều nhất từ trước đến nay, bao gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Đáng chú ý, danh sách này ghi nhận sự xuất hiện lần đầu của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nova Group. Tài sản của ông Bùi Thành Nhơn được Forbes đánh giá đạt 2,9 tỉ USD, đứng thứ 1.053 thế giới. Dù lần đầu xuất hiện nhưng vị doanh nhân này đang được xếp hạng thứ 4 tại Việt Nam, vượt qua các ông chủ của Techcombank, Masan, Trường Hải.
Trong khi đó, tỉ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu tại Việt Nam với tài sản 6,2 tỉ USD, đứng thứ 411 thế giới. Ông Phạm Nhật Vượng lần thứ 10 có mặt trong danh sách này với khối tài sản tăng mạnh so với lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013 là 1,5 tỷ USD.
Xếp ở vị trí thứ 3 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với tài sản 3,1 tỉ USD và được xếp hạng 984 trong danh sách của Forbes. Đây là lần thứ 6 bà Thảo có tiên trong danh sách. Bà Thảo hiện giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.
Tiếp theo là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank với tài sản trị giá 2,3 tỉ USD và là người giàu thứ 1.341 trên thế giới. Đây là lần thứ tư ông Hồ Hùng Anh góp mặt trong danh sách này.
Liền kề là chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang có tài sản trị giá 1,9 tỉ USD, vị tỷ phú này xuất hiện trong danh sách năm thứ hai liên tiếp và được xếp hạng 1.579 trên toàn cầu.
Ông Trần Bá Dương đứng sau cùng với tài sản đạt 1,6 tỉ USD, tương đương năm ngoái và có vị trí 1.818 trong danh sách các tỉ phú thế giới. Ông Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018.
Năm nay, ngoài ông Phạm Nhật Vượng, các tỷ phú khác đều gia tăng tài sản so với năm ngoái. Tổng số tài sản của các tỷ phú đô la trong danh sách này năm nay tăng lên 21,2 tỷ đô la.
Theo công bố của Forbes, người giàu nhất thế giới năm nay là tỉ phú Elon Musk - ông chủ hãng xe điện Tesla - đã vươn lên từ vị trí thứ 2 của một năm trước với tài sản 219 tỉ USD. Điều này đẩy ông chủ Amazon - Jeff Bezos - bị rớt khỏi vị trí dẫn đầu 2 năm liền trước đó xuống thứ hai với tài sản hiện có là 171 tỉ USD; thứ ba là ông chủ hãng thời trang xa xỉ LVMH - Bernard Arnault - có tài sản 158 tỉ USD...
Quy mô “khủng” và quỹ đất đáng mơ ước tại Nova Group của ông Bùi Thành Nhơn
Theo Forbes, lần đầu tiên Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn góp mặt trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Tại Việt Nam, ông Bùi Thành Nhơn là một trong những “ông trùm” bất động sản được biến đến với những dự án đình đám và quỹ đất “khủng” ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt tại thị trường miền Nam.
Nova Group đang mở rộng các hoạt động trong hệ sinh thái của mình và sắp đưa thêm nhiều công ty con lên sàn chứng khoán. Trong đó, công ty mẹ là Novaland hoạt động chính trong mảng bất động sản, tập trung phát triển các dự án ở TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo báo cáo thường niên của Novaland, tính đến năm 2021, ông Bùi Thành Nhơn nắm giữ 275.150.364 cổ phiếu, tương đương 14,253% cổ phần tập đoàn. Ngoài ra, ông Bùi Thành Nhơn còn là thành viên hội đồng quản trị tại một số công ty khác như CTCP Diamond Properties, CTCP NovaGroup, CTCP Đầu tư Phát triển NSQ, CTCP Nova Holding.
Đầu năm nay, Theo công bố thông tin từ Novaland, để tập trung lãnh đạo Nova Group giai đoạn hậu tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn quyết định trao quyền và vị trí Chủ tịch HĐQT Novaland cho ông Bùi Xuân Huy. Bên cạnh đó, HĐQT Novaland cũng công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Huyên vào vị trí Tổng Giám đốc, bổ nhiệm bà Dương Thị Thu Thủy và bà Võ Thị Cao Ly vào các vị trí Phó Tổng Giám đốc.
Hiện tại, Novaland đang sở hữu quỹ đất rất lớn, tốc độ mở rộng quỹ đất nhanh với kỳ vọng tăng trưởng vốn hóa tương ứng với giá trị hợp lý của quỹ đất. Từ khoảng 5.400 ha trong đầu năm 2021, đơn vị đã có tốc độ mở rộng quy mô một cách đáng kể cho đến cuối năm với con số lên đến 10.600 ha nằm chủ yếu tại khu vực trọng điểm về hạ tầng hàng không, trục cao tốc. Đây là tiền đề vững chắc mà đơn vị Novaland đang có được để có thể phát triển dài hạn trong khoảng 10 năm tới.
Trong đó, quỹ đất đang xây dựng và phát triển dự án của doanh nghiệp vào khoảng 5.400 ha, tập trung ở TP.HCM, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Ở Đồng Nai, ngoài quỹ đất rộng khoảng 1000 ha của dự án Aqua City đang trong quá trình được triển khai thì Novaland cũng đang hoàn thiện M&A cho dự án khoảng 600 ha. Khu vực Bà Rịa- Vũng Tàu, dự án NovaWorld Ho Tram tiếp tục chào đón phân kỳ mới mang tên NovaWorld Ho Tram khoảng 30 ha và nghiên cứu quỹ đất quy hoạch Safari cùng một số khác với tổng diện tích gần 3.000 ha.
Tại Lâm Đồng, dự án mới NovaWorld Da Lat với tổng diện tích 100 ha cũng sẽ được tiến hành, đồng thời quỹ đất hơn 3000 ha tại Liên Khương – Prenn cũng đang được nghiên cứu…
Trong năm 2022, Novaland dự kiến sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển mới, bám sát với tiến độ thực hiện của các hạ tầng giao thông quốc gia tiêu biểu như trục cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Long Thành…từ đó huy động nguồn lực để đảm bảo tốt nhất tiến độ của 3 dự án là Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet và đi vào vận hành chính thức từ năm 2023…