Gelex: Giá cổ phiếu trượt dốc mất 60% giá trị, liên tục mua lại trái phiếu trước hạn
Chỉ trong quý 2/2022 vừa Gelex đã liên tục thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn trong giai đoạn nóng sau vụ phát hành trái phiếu bị tuýt còi của Tân Hoàng Minh.
Gelex quyết định mua lại trước hạn hơn 200 tỷ đồng trái phiếu
Ngày 1/7/2022 vừa qua Tập đoàn Gelex ra đã quyết định mua lại trước hạn trái phiếu trước hạn đối với các mã trái phiếu BONDGEX/2020.01 và BONDGEX/2020.02 do Công ty phát hành tháng 7/2020.
Cả 2 lô trái phiếu này đều phát hành trong tháng 7/2020 Gelex, đều có tổng giá trị theo mệnh giá 200 tỷ đồng, đều có kỳ hạn 3 năm, ngày đáo hạn 22 và 23/7/2023. Các Trái phiếu này đều có lãi suất cố định 10% trong 2 năm đầu, năm thứ 3 lãi suất sẽ là tổng của lãi suất tham chiếu và 3,5%.
Theo thông báo, Gelex nhận được văn bản yêu cầu mua lại trước hạn số trái phiếu BONDGEX/2020.01 trị giá 135,2 tỷ đồng từ người sở hữu trái phiếu. Đối với mã trái phiếu BONGEX/2020.02, Gelex cũng nhận được văn bản yêu cầu mua lại trước hạn số trái phiếu có tổng trị giá 69,7 tỷ đồng từ người sở hữu chứng khoán.
Như vậy tổng cộng lần này Gelex sẽ mua lại trước hạn số trái phiếu trị giá 204,9 tỷ đồng. Nguồn tiền mua lại được Gelex lấy từ nguồn tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty. Thời gian mua lại dự kiến vào 22 và 23/7/2022.
Cả 2 lô trái phiếu trên đều có tài sản đảm bảo là cổ phiếu VCW (CTCP Dầu tư nước sạch Sông Đà) thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (sau đổi tên thành CTCP Hạ tầng Gelex). Theo số liệu ghi nhận, Hạ tầng Gelex sở hữu 62,5% vốn của Nước sạch Sông Đà còn Tập đoàn Gelex lại đang sở hữu 96,7% vốn của Hạ tầng Gelex.
Gelex liên tục mua lại trước hạn trái phiếu trong quý 2/2022
Khi vụ việc liên quan đến phát hành 10 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh trị giá hơn 10.000 tỷ đồng bị huỷ bỏ, từ khoá “TRÁI PHIẾU” đã trở thành từ “nóng”, hàng loạt vụ phát hành trái phiếu bị đưa ra “soi”. Trước những thông tin không vui dồn dập về trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách mua lại trái phiếu trước hạn. Gelex là một trong số đó.
Trước đó không lâu, ngày 17/6/2022 Gelex cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu GELEXBOND_150420_3Y tổng trị giá 400 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 15/4/2024.
Ngày 8/6/2022 Gelex mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu GEXH2124003 tổng giá trị 500 tỷ đồng. Số trái phiếu này đáo hạn ngày 31/12/2024.
Ngày 19/5/2022 Gelex cũng mua lại trước hạn lô trái phiếu GEXH2124001 tổng giá trị 300 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 19/5/2024.
Đến khoản dư nợ trái phiếu gần 7.000 tỷ đồng
BCTC hợp nhất quý 1/2022 ghi nhận Gelex cũng là “con nợ” của ngân hàng với dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đến 31/3/2022 hơn 7.770 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vay nợ ngân hàng và vay trái phiếu. Trong đó tổng vay nợ trái phiếu ghi nhận gần 7.000 tỷ đồng.
Đang là “con nợ” lớn, nguồn vốn của Gelex có những gì? Gelex thông báo sẽ lấy nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư của công ty để mua lại trái phiếu. BCTC quý 1/2022 ghi nhận tiền và tương đương tiền của công ty đến 31/3/2022 đạt hơn 6.100 tỷ đồng, trong đó có 3.400 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng và gần 2.700 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty đạt hơn 8.050 tỷ đồng trong đó có hơn 5.900 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu và gần 1.900 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu; tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn chỉ chưa đến 300 tỷ đồng.
Cổ phiếu GEX lao dốc, mất 60% giá trị từ vùng đỉnh
Trên thị trường cổ phiếu GEX cũng là một cổ phiếu hiện thị biến động hình cây thông. Cổ phiếu GEX từ vùng giá 21, 22.000 đồng/cổ phiếu, bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 10/2021, lên hơn gấp đôi chỉ trong vòng 1 tháng sau đó. GEX còn tiếp tục tăng nhịp thứ 2, vượt ngưỡng 46.000 đồng/cổ phiếu những ngày đầu tháng 1/2022.
Tuy vậy mức giá này giữ không lâu, ngay sau đó GEX giảm manh. Thời điểm GEX giảm mạnh nhất trong quý 2/2022 vừa qua, ở bên phải sườn cây thông, GEX đã “trượt dốc”, mất gần 60% giá trị, về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.