Giá vàng tăng dữ dội: Lao vào cơn sốt, nguy cơ gãy đổ trước mốc 73 triệu/lượng
Trong một thập kỷ qua, giá vàng biến động dữ dội, tăng gấp đôi. Các chuyên gia cảnh báo, trong giai đoạn giá vàng tăng nóng, nhà đầu tư không nên lướt sóng để hạn chế rủi ro.
Giá vàng tăng gấp đôi sau 10 năm
Với nhiều người, vàng là tài sản tích trữ an toàn trước những biến động kinh tế. Không những thế, kim loại quý này còn được coi là một kênh đầu tư sinh lời, bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian.
Thực tế, trong một thập kỷ qua, giá vàng đã tăng gấp đôi. Những ai đầu tư vàng trong 10 năm qua đều thắng lớn.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, giá vàng biến động khá dữ dội, khiến giới đầu tư không ít phen "đau tim".
2013 được xem là một năm biến động mạnh của giá vàng. Trong phiên giao dịch đầu năm 2013, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 45,7-46,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Nhưng đến phiên giao dịch cuối năm 2013, giá vàng miếng SJC chỉ còn 34,7-34,78 triệu đồng/lượng. Như vậy, trong vòng một năm, giá vàng miếng SJC đã giảm hơn 11 triệu đồng/lượng.
Sự giảm mạnh của giá vàng trong năm 2013 cũng chấm dứt chuỗi 12 năm tăng giá liên tục của kim loại quý này. Giá vàng năm 2013 giảm mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ.
Sang năm 2014 và năm 2015, giá vàng tương đối ổn định, có biến động tăng giảm nhưng không mạnh, dao động mỗi năm trong khoảng 2-3 triệu/lượng.
Cụ thể, chốt phiên cuối năm 2014, giá vàng miếng SJC ở chiều bán ra là 35,2 triệu đồng/lượng. Đến phiên cuối năm 2015, vàng miếng SJC ở mức 32,75 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm 2,45 triệu đồng/lượng.
Đến năm 2016, giá vàng bật tăng sau 3 năm liền giảm liên tiếp. Tính chung cả năm này, giá vàng miếng SJC tăng 3,35 triệu đồng/lượng. Chốt phiên cuối năm 2016, giá vàng miếng SJC có giá 36,25 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giai đoạn 2017-2018, giá vàng ít biến động. Giá vàng miếng SJC giao dịch ở giai đoạn này quanh mốc 35-37 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, giá vàng trong nước bước vào chu kỳ tăng dữ dội.
Đầu năm 2019, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mốc 36,58 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Đến cuối năm này, giá vàng miếng SJC đã vọt lên 42,6 triệu đồng/lượng, tức tăng tới 6,02 triệu đồng/lượng.
Tới năm 2020, giá vàng miếng SJC từ mức 42,75 triệu đồng/lượng vào đầu năm đã tiến tới mức 56,1 triệu đồng/lượng vào cuối năm, tức tăng 13,35 triệu đồng/lượng.
Năm 2021, giá vàng tiếp tục xu hướng tăng. Phiên đầu năm 2021, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 56,7 triệu đồng/lượng. Chốt phiên cuối năm này, giá vàng miếng SJC có giá 61,45 triệu đồng/lượng, tăng 4,75 triệu đồng/lượng.
Năm 2022, giá vàng miếng SJC cũng tăng tới 4,9 triệu đồng/lượng, lên mức 66,7 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Đáng chú ý, vào đầu năm 2022, giá vàng miếng SJC lập đỉnh ở mốc 74,4 triệu đồng/lượng.
Sang năm 2023, giá vàng ổn định vào đầu năm. Nhưng mấy tháng nay, giá vàng biến động dữ dội theo xu hướng tăng cao. Có những phiên tăng - giảm trong vùng 1-2 triệu đồng/lượng.
Vào phiên đầu năm nay (3/1), giá vàng miếng SJC chốt phiên được niêm yết ở mức 66,3-67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn giá vàng nhẫn 9999 chốt phiên 3/1 ở mức 53,3-54,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đến sáng 23/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 70,95-71,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), còn giá vàng nhẫn 9999 của SJC được mua - bán ở mức 59,75-60,75 triệu đồng/lượng.
So với phiên đầu năm, giá vàng miếng SJC hiện đã tăng 4,63 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, trong khi giá vàng nhẫn SJC tăng 6,45 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong 10 năm qua tăng rất mạnh. Từ mức giá 34,78 triệu đồng/lượng năm 2013, giờ giá vàng miếng SJC đã vọt lên sát mức 72 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tức tăng 37,14 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 107%.
Các chuyên gia nhận định, giá vàng tăng mạnh do chịu tác động từ yếu tố dịch bệnh, lạm phát, chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá.
Giá vàng trong nước sẽ tăng lên mức 72-73 triệu đồng/lượng, nhất là thời điểm cuối năm gần lễ Tết, nhu cầu về vàng tăng cao. Hiện giá vàng đã qua mốc 72 triệu/lượng và nhiều nhà đầu cơ hy vọng mức giá mới lên đến 73 triệu/lượng và đổ tiền đầu cơ. Đây chính là mốc kỳ vọng được các chuyên gia đánh gía đầy rủi ro khi giá vàng có thể gãy đổ trước khi đạt đỉnh kỳ vọng.
Người mua vàng cẩn trọng rủi ro
Giá vàng đang trong giai đoạn tăng mạnh. Giới chuyên gia cho rằng, giá vàng thường tăng vào cuối năm do nhu cầu cao. Người dân mua vàng thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên lướt sóng ở những phiên sốt nóng để hạn chế rủi ro. Nếu mua vàng tích trữ hoặc đầu tư dài hạn thì nên chọn những thời điểm vàng giảm giá. Đồng thời, nhà đầu tư cần tìm hiểu các thông tin có thể ảnh hưởng tới giá vàng để tránh thua thiệt khi giao dịch.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thói quen của người Việt thường có nhu cầu mua vàng vào thời điểm cuối năm. Dịp Tết Nguyên đán, người dân Việt Nam có xu hướng mua vào làm trang sức. Thêm nữa, đây là mùa cưới, nhu cầu mua vàng làm quà tặng, trang sức cũng tăng cao.
Ông Hiếu cảnh báo người dân có ý định đầu tư vàng cẩn trọng rủi ro. Việc chênh lệch giá mua vào - bán ra cao, giá vàng trong nước tăng mạnh hơn thế giới khiến người nắm giữ vàng tại thời điểm này sẽ gặp nhiều rủi ro.
Thực tế, giá vàng miếng ở Việt Nam luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới ở mức rất cao, có thời điểm tới gần 20 triệu đồng/lượng vào năm 2022. Hiện mức chênh lệch này còn 12-13 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia cho biết không có nước nào trên thế giới có mức chênh lệch quá lớn như vậy. Ở nhiều nước, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce.
Thị trường vàng trong nước đang "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới. Trong khi vàng ở nhiều nước trên thế giới được định giá theo cung - cầu, theo tuổi vàng, theo hàm lượng vàng… thì ở Việt Nam, giá vàng miếng SJC dường như nằm ngoài những quy luật chung.
Theo ông Hiếu, đầu tư vàng là kênh đầu tư rất rủi ro. Người đầu tư vàng cần tuân thủ một số nguyên tắc như: không vay tiền để đầu tư vàng, đầu tư vàng trong thời gian dài. Ở thời điểm giá vàng lập đỉnh, người dân không nên mua vàng bởi nguy cơ thua lỗ rất cao.
Đại diện Hội đồng Vàng Thế giới đánh giá, nhu cầu tiêu dùng vàng của người Việt không ngừng tăng. Song người dân cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định đầu tư vàng.
“Hiện nay, người muốn mua vàng tại Việt Nam cần hiểu rõ về sản phẩm và nên chọn doanh nghiệp uy tín. Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ chịu ảnh hưởng lãi suất quốc tế, đồng USD và sự kiện có tính rủi ro trên toàn cầu”, Hội đồng Vàng Thế giới cảnh báo.