Giấc mơ top 20 của Hà Tĩnh: Chiến lược 4 trọng điểm, 3 trung tâm và 3 hành lang
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước. Hiện tỉnh Hà Tĩnh đang ưu tiên tập trung huy động, thu hút và tận dụng mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghệ cao và hạ tầng dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.
Nhận cam kết đầu tư hàng trăm nghìn tỷ
Với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, vào cuối tháng 5/2023, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh. Hội nghị đã cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của tỉnh tới các nhà đầu tư. Thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.
Đến nay, Hà Tĩnh có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 68 dự án với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng. Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, những định hướng phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh sẽ được xây dựng bao gồm: Lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may...
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương cùng các bộ, ngành và các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng. Đồng thời, trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án về các lĩnh vực: Bất động sản - du lịch - nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng - nước sạch, giáo dục, nông nghiệp…, có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 219.000 tỷ đồng.
Đây là cơ sở quan trọng, là “bản lề” vững chắc để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển KT-XH cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đảm bảo thực hiện cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
“Đột phá” từ những định hướng lớn
Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh.
Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, lạm phát vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh này, tỉnh Hà Tĩnh đã ưu tiên đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế.
Theo báo cáo của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 2 khu kinh tế (KKT), 2 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 1 khu công nghệ thông tin được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có 23 cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 604,07 ha, trong đó có 18 CCN đã hoạt động với 179 dự án đi vào sản xuất kinh doanh với số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Để thực hiện được nhiệm vụ phát triển công nghiệp, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước, nhiều giải pháp trọng tâm đã và đang được triển khai như: Tập trung điều chỉnh lại quy hoạch chung KKT Vũng Áng và KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các CCN nhằm tăng thêm quỹ đất phát triển công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp, tạo điều kiện để Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đầu tư nâng công suất, các dự án lớn khác sớm đi vào hoạt động….
Tỉnh đã đặt ra mục tiêu xây dựng KKT Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực của quốc gia và khu vực; là hạt nhân trong phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực. Thu hút nhiều dự án đầu tư mới có quy mô lớn, công nghệ hiện đại vào ngành công nghiệp. Đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như thép và chế tạo các sản phẩm từ thép; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may; vật liệu xây dựng chất lượng cao; dược phẩm sinh học; công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp khác có tiềm năng.
Trong những năm tiếp theo, Hà Tĩnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 9%/năm. Cùng với đó giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng.
Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, cảng biển kết nối đồng bộ, tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án động lực, tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nồng cốt. Nhờ đó, bảo đảm sự triển khai đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành; xác định rõ nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể. Kỳ vọng với những giải pháp thực hiện để tiến tới hoàn thành mục tiêu tổng quát đã đề ra, Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh khá của cả nước và trở thành cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ”.
4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế của Hà Tĩnh
4 ngành trọng điểm gồm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.
3 trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh (trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà); trung tâm đô thị phía Bắc (gồm thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận); trung tâm đô thị phía Nam (hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận).
3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ ١, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ ٨ từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.