Gói hỗ trợ 2% lãi suất: Chưa triển khai được nhiều do độ trễ chính sách
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), qua 3 tháng triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã rất tích cực nhưng do độ trễ của chính sách nên kết quả triển khai chưa được nhiều.
Sáng 26/8, NHNN đã tổ chức "Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất".
Theo NHNN, mặc dù các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và và Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trên thực tế nhiều khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành; nhiều khách hàng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Qua 3 tháng triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các NHTM đã vào cuộc tích cực như thẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch.
Cùng với đó là rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; chủ động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt một số NHTM còn phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.
“Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ”, NHNN cho biết.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng Agribank có 96% là khách hàng cá nhân. Trong đó, lượng khách hàng cá nhân không có giấy đăng ký kinh doanh chiếm 40 - 50%, tổng dư nợ trên 100.000 tỷ đồng không được hỗ trợ theo quy định.
“Có những trường hợp một số hoạt động kinh doanh có sự tương đồng nhưng vẫn có sự khác biệt với định dạng theo Nghị định 31 của Chính phủ khiến ngân hàng gặp khó trong việc phân ngành để áp dụng chương trình hỗ trợ lãi suất”, ông Vượng nói.
Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đa ngành, rất khó tách bạch được chi phí đặc biệt là chi phí cố định, khó xác định được vốn vay cho lĩnh vực nào. Ngân hàng cũng khó khi tính toán mức vay của doanh nghiệp trong việc phân tách các dòng tiền.
Cùng nói về những vướng mắc, bất cập liên quan đến tiêu chí cho vay, đại diện của Ngân hàng MB, VietinBank cho rằng các ngân hàng đang gặp khó khi xác định tiêu chí "có khả năng phục hồi" theo quy định tại Nghị định 31.
Điều kiện "có khả năng phục hồi" không có hướng dẫn cụ thể dẫn đến mỗi ngân hàng áp dụng một điều kiện khác nhau, khó khăn cho cả ngân hàng và phía khách hàng vay.
"VietinBank có phụ lục có hướng dẫn một số tiêu chí khả năng phục hồi nhưng qua trao đổi thực tế thì có thể thấy việc đưa ra các tiêu chí giữa các ngân hàng không thống nhất có thể dẫn đến có thể dẫn tới việc khó thanh toán khoản hỗ trợ lãi suất hoặc quá trình thanh tra, kiểm tra phát sinh sau này", đại diện VietinBank cho biết.