Lãi suất tiết kiệm hướng mốc 8%, tiền đổ dồn vào ngân hàng

Lãi suất huy động về cuối tháng càng có dấu hiệu tăng mạnh. Động thái này đã hút tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh. Thống kê mới nhất cho thấy, tiền gửi của người dân đã tăng hơn 50 nghìn tỷ đồng trong tháng 6 và tăng gần 320 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm.

1 tháng tăng thêm 1%

Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi. Mức tăng lãi suất dao động trong khoảng 0,1 - 1%/năm so với hồi đầu tháng trước.

ACB tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên ở mức 0,1 - 0,4%/năm. VPBank tăng lãi suất tiền gửi từ 0,1 - 0,4%/năm, ở nhiều kỳ hạn. SHB tăng lãi suất huy động thêm 0,2% ở kỳ hạn 12 tháng.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng có mức tăng cao như: Eximbank tăng 1% lên mức 6,5% cho kỳ hạn 12 tháng, các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tăng 0,5% lên mức 4%/năm. Techcombank tăng lãi suất tiền gửi từ 0,1 - 0,5%/năm cho các kỳ hạn 3, 6,12 và 24 tháng. Bên cạnh đó, Kienlongbank cũng điều chỉnh tăng 0,2 - 0,6%/năm ở nhiều kỳ hạn. MBBank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn từ 0,18 - 0,43%. ABBank tăng lãi suất huy động ở mức 0,5% cho một số kỳ hạn. Sacombank tăng lãi suất huy động thêm 0,65%/năm cho tiền gửi 9 tháng tại quầy và online...

Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện đã lên mức 8,8% tại ABBank, với điều kiện khách phải 1.500 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng. SeABank đang đưa ra mức lãi suất tới 7,85%/năm cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, điều kiện là khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, với kỳ hạn 36 tháng.

Hiện có nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động hơn 7,3-7,6% cho kỳ hạn 12 tháng. Đơn cử, CBBank niêm yết mức lãi suất 7,5% cho kỳ hạn dài 12 tháng; SCB đưa ra mức lãi suất 7,3-7,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; Nam A Bank niêm yết lãi suất trên mức 7,4-7,5% cho kỳ hạn dài 12 tháng.

Một số ngân hàng khác như LienVietpostBank, VPBank, KienlongBank, Techcombank… cũng áp dụng mức lãi suất huy động áp dụng cao nhất hơn 7% với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Không chỉ ở kỳ hạn dài, các kỳ hạn dưới 12 tháng cũng được nhiều ngân hàng tiến hành tăng lãi suất từ 0,2 - 0,5 điểm %.

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng hiện tăng tới vài điểm % so với hồi đầu năm. Chẳng hạn, vào cuối năm 2021, VPBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 4,8-5,3%/năm, nay mức lãi suất này đã tăng lên 5,6-6,5%/năm. Tương tự, ACB vào cuối năm 2021 vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,6-5,8%/năm, nay đã tăng lên 6,1-6,4%/năm.

VNDirect cho biết lãi suất tiền gửi có khả năng tăng thêm 0,3-0,5 điểm % trong nửa cuối năm nay.

Còn Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự đoán, lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm % sau khi NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Tính chung trong cả năm nay, lãi suất huy động có thể tăng thêm 1 - 2 điểm %.

Tiền đổ về ngân hàng

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 30/6, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 92.400 tỷ đồng so với cuối tháng 5.

Trong đó, tiền gửi của khách hàng là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đạt gần 5,85 triệu tỷ đồng, tăng gần 42 nghìn tỷ trong tháng 6 và tăng hơn 200 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 3,61% so với cuối năm 2021.

Còn tiền gửi của dân cư vào cuối tháng 6 đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng. Riêng tháng 6, người dân đã gửi thêm gần 50.470 tỷ đồng vào ngân hàng. Tính chung 6 tháng đầu năm, người dân đã gửi thêm gần 320.000 tỷ đồng vào ngân hàng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021.Lãi suất tiết kiệm hướng mốc 8%, tiền đổ dồn vào ngân hàng - Ảnh 1

Như vậy, bình quân mỗi ngày kênh ngân hàng thu hút hơn 1.770 tỷ đồng từ nhóm khách hàng dân cư. Mức tăng số dư tiền gửi 6 tháng đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 30% so với năm 2020.

Tính chung trong nửa đầu năm nay, hai nhóm khách hàng doanh nghiệp và người dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng thêm hơn 522.500 tỷ đồng, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25% so với nửa đầu năm 2020.

Trong 2 năm, từ 2020-2021, do lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng kém hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác nên nhiều người dân rút tiền gửi tiết kiệm để đổ vào chứng khoán, bất động sản. Còn tiền gửi của các doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng lại tăng mạnh.

Nhưng từ đầu năm nay, dịch Covid-19 được kiểm soát cộng với việc lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục tăng đã kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chứa đựng nhiều rủi ro. Hơn nữa, từ đầu tháng này, người dân rút tiền gửi trước hạn sẽ không bị mất lãi như trước. Việc này cũng tạo sức hút cho người dân có tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng.

Mặt khác, các ngân hàng thực hiện tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao vào những tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng 4,77%, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 3,83%. Nhưng tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Dư nợ tín dụng tới cuối tháng 6 đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,44% so với đầu năm.

Điều này cho thấy tốc độ huy động vốn vẫn còn khá thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhằm thu hút tiền gửi của khách hàng vào hệ thống ngân hàng.

Tuấn Dũng

Theo VietnamFinance