Hà Nội muốn tăng tỷ lệ ngân sách để bắc những cầu nào qua sông Hồng?

Sẽ có 9 cây cầu mới của Hà Nội dự kiến xây dựng từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022-2025, đồng thời hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi đầu tư các cầu lớn qua sông Hồng, thông tin từ buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với UBND TP. Hà Nội chiều ngày 28/3/2021.

Trước đó, trong văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Theo quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn tới, 9 cầu vượt Sông Hồng sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng. Các cây cầu này gồm: Mễ Sở, Hồng Hà, Thăng Long mới, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc nhằm kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc xem xét, thay đổi kết cấu kỹ thuật và tên gọi cầu Mễ Sở thành cầu Đại Bình hoặc Chí Nghĩa, kết nối huyện Thường Tín (Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên), đồng thời nghiên cứu thêm cầu dây văng vượt qua sông Hồng để giảm tải cầu Mễ Sở, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cầu Mễ Sở kết nối huyện Thường Tín, TP Hà Nội với huyện Văn Giang (Hưng Yên) thuộc đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án thiết kế khác nhau của cầu Mễ Sở trên cơ sở điều kiện tự nhiên, giá thành, công nghệ thi công, chi phí quản lý, bảo trì, cảnh quan khu vực xây dựng làm cơ sở lựa chọn phương án bảo đảm tính kinh tế - kỹ thuật, thẩm mỹ kiến trúc. Sau khi đầu tư hoàn thành cầu Mễ Sở, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu về tên gọi cầu Mễ Sở theo quy định tại Điều 40 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Đồ hoạ các cây cầu Hà Nội sẽ triển khai từ nay đến năm 2030. Nguồn: Dân Trí.  
Đồ hoạ các cây cầu Hà Nội sẽ triển khai từ nay đến năm 2030. Nguồn: Dân Trí.  
Vị trí cụ thể của những cây cầu mới của Hà Nội dự kiến xây dựng từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050 như sau:
  1. Cầu Hồng Hà dài 6km, nối huyện Đan Phượng với huyện Mê Linh. Tổng vốn đầu tư dự kiến 9.877 tỷ đồng.
  2. Cầu Thượng Cát dài 5,2 km, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Vốn đầu tư chưa xác định.
  3. Cầu Thăng Long mới nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh (vị trí gần cầu Thăng Long hiện nay). Vốn đầu tư chưa xác định.
  4. Cầu Tứ Liên dài 4,48km, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư xấp xỉ 17.000 tỷ đồng.
  5. Cầu Trần Hưng Đạo dài 2,4 km, nối các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.
  6. Cầu Vĩnh Tuy 2 (song song với cầu Vĩnh Tuy hiện nay, đã khởi công tháng 1/2021) dài 3,5km, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.
  7. Cầu Mễ Sở nối xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) với xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vốn đầu tư chưa xác định.
  8. Cầu Ngọc Hồi nối vành đai 3,5 thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì với xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.
  9. Cầu Văn Phúc dài 1,2 km nối huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với huyện Văn Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, vốn đầu tư chưa xác định.
  10. Cầu Phú Xuyên dài xấp xỉ 5km, nằm trên đường cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5, vốn đầu tư chưa xác định.
Phối cảnh cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.  
Phối cảnh cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.  
Việc triển khai xây dựng 10 cây cầu mới bắc qua sông Hồng được đánh giá sẽ là giải pháp căn cơ và dài hạn giúp tăng kết nối giao thông liên vùng Thủ đô và giải bài toán ách tắc mà Hà Nội đang đối mặt.

Trong đó, dự án Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư khoảng 2.538 tỉ đồng, khởi công tháng 1/2021 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 và kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển các khu đô thị khu vực phía bắc sông Hồng.

Nhà thầu thi công gói thầu 05/VT2-XL là Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, sau lễ khởi công ngày 9/1/2021, nhà thầu đã huy động nhân lực, máy móc, tổ chức thi công 3 ca liên tục.

Hiện tiến độ đang vượt so với tiến độ đề ra và đã khoan được 60 cọc trên tổng số 66 cọc và với tiến độ hiện nay, việc thi công khoan cọc sẽ kết thúc trong tháng 3/2021. Trong thời gian tới đơn vị thi công sẽ triển khai việc thi công thân bệ, trụ cầu Vĩnh Tuy 2.

Cùng với dự án cầu Vĩnh Tuy 2, Hà Nội cũng đang chuẩn bị các bước nhằm có thể triển khai thêm 5 dự án cầu khác bắc qua sông Hồng và sông Đuống. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, việc bố trí nguồn vốn cho các dự án này vẫn là vấn đề gặp không ít khó khăn do đây đều là các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn.

Hà Quang

Theo Sở hữu trí tuệ