Hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam: 1.500 công nhân thi công xuyên sông suốt 3.000 ngày

Hầm này được xây dựng trong 7 năm liền và được ghi danh hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án hầm Thủ Thiêm có vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng ngày 21/11/2011, chiều dài 1,49km kết nối quận 1 và quận 2. Hầm Thủ Thiêm là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á, được thi công bằng công nghệ đúc, dìm hiện đại nhất.

Hầm Thủ Thiêm là phần quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây. Nó không chỉ nối liền Quận 2 với Quận 1 mà còn kết nối các quận lân cận như Quận 7, Bình Thạnh, và Quận 4, giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Hầm tạo điều kiện kết nối mạch lạc giữa miền Tây Nam bộ, TP. HCM và miền Đông Nam bộ, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam: 1.500 công nhân thi công xuyên sông suốt 3.000 ngày - Ảnh 1

Hầm được xây ngầm dưới lòng sông Sài Gòn

Công trình được đầu tư bởi Quỹ Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật Bản. kỹ thuật tiên tiến nhất chưa từng được sử dụng tại Việt Nam.

Hầm có kiến trúc đặc biệt, nằm dưới lòng sông Sài Gòn. Hầm có tổng chiều dài 1.490m, bao gồm 3 đoạn chính là: Hầm dẫn phía TP. HCM, có tổng chiều dài 585m; hầm dẫn phía Thủ Thiêm có tổng chiều dài 535m; hầm dìm bao gồm 4 đốt hầm có tổng chiều dài 370m.

Hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam: 1.500 công nhân thi công xuyên sông suốt 3.000 ngày - Ảnh 2

Việc thi công hầm vô cùng phức tạp

Quá trình xây dựng hầm Thủ Thiêm, các chuyên gia Nhật Bản từng làm nhiều hầm dìm trên thế giới nhận xét, dòng chảy sông Sài Gòn rất phức tạp, là thách thức lớn nhất khi tính toán thi công hầm. Trong khi đó, thời gian xử lý nhiều công đoạn phải tính bằng giây, cả quá trình dìm và lắp đặt mỗi đốt hầm diễn ra liên tục 15-20 tiếng, kéo dài từ 4-5h sáng đến tận nửa đêm thực sự áp lực đối với đội ngũ kỹ sư, công nhân. 1.500 công nhân đã làm việc hết công suất trong suốt 3.000 ngày để hoàn thành.

Phần chìm bao gồm 4 đốt hầm với trọng lượng mỗi đốt lên đến 27.000 tấn. Để có được phần chìm dưới sông Sài Gòn, nhà thầu đã thực hiện việc nạo vét 450.000m3 bùn đáy sông để tạo không gian đủ cho 4 đốt hầm. Trong quá trình nạo vét và đặt nốt hầm, giao thông thủy tại khu vực công trình đã bị chặn hoàn toàn.

Hầm được xây dựng chủ yếu bằng bê tông cốt thép, có khả năng chịu đựng tác động tương đương với động đất cường độ 6 độ Richter và duy trì chất lượng trong 100 năm.

Hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam: 1.500 công nhân thi công xuyên sông suốt 3.000 ngày - Ảnh 3

Hầm được ghi danh kỷ lục hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á

Bên trong hầm được chia thành 6 làn xe tương ứng với 2 chiều lưu thông, vận tốc cho phép tối đa đối với xe máy là 40km/h và cho ô tô là 60km/h. Bên trong hầm lắp đặt hệ thống camera theo dõi cũng như chuông báo động để kịp thời ứng phó nếu có rủi ro. 

Nhờ hầm Thủ Thiêm, thời gian di chuyển từ phía Đông sang Tây sông Sài Gòn giảm xuống chỉ còn một phút, và cũng làm giảm quãng đường từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây, miền Đông.

Ngọc Trà

Theo Chất lượng và cuộc sống