Hệ sinh thái khủng đứng sau tổ hợp The Artemis Lê Trọng Tấn đang tuyên chiến với cư dân

Với việc chủ đầu tư phản pháo lại cư dân sau những lùm xùm tăng thuế phí gửi xe, khóa bánh xe gửi trong hầm. Nhiều người tự hỏi, liệu có một thế lực nào chống lưng cho Artemis không mà chủ đầu tư cứng đến vậy?

 

Cư dân phẫn nộ vì bị khóa trái bánh xe ô tô thời gian qua
Cư dân phẫn nộ vì bị khóa trái bánh xe ô tô thời gian qua

Những ngày qua, tin tức về cuộc tranh cãi giữa cư dân chung cư The Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) và chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư MHL đã phủ sóng khắp các mặt báo.

Sau vụ việc ô tô của cư dân chung cư bị khoá bánh, không cho ra vào tầng hầm vì phản đối phương án tăng giá vé dịch vụ giữ xe và loạt đơn thư phản ánh từ phía cư dân về hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư, cả hai bên đã có buổi làm việc với  đại diện Phòng Quản lý đô thị, Công an quận Thanh Xuân và UBND phường Khương Mai.

Đáng nói, buổi làm việc này đã không thể đưa cuộc tranh cãi đi tới hồi kết khi Phó Chủ tịch HĐQT Đầu tư MHL Đoàn Thành Nhân tuyên bố kiên quyết không mở những chiếc ô tô bị khoá bánh và sẽ tiếp tục “xử phạt chủ xe và khoá xe”. Vị này cho hay, chủ đầu tư sẽ “không nể nang, không hòa giải với bất cứ đơn vị nào nữa… Tất cả những chủ xe vi phạm nội quy sẽ bị khóa xe dưới hầm, đừng hy vọng ra vào”.

Phát biểu có phần bất cần từ phía lãnh đạo chủ đầu tư chung cư The Artemis đã khiến bức xúc tích tụ lâu ngày của cư dân đã trở thành cơn phẫn nộ. Để sở hữu một căn hộ trong toà chung cư 5 sao nằm tại ngã tư sầm uất Lê Trọng Tấn - Trường Chinh, số tiền họ bỏ ra là không hề nhỏ. Tuy nhiên, những giá trị nhận được dường như không hề tương xứng với chất lượng 5 sao mà cư dân trông đợi: hơn 6 năm trôi qua mà chưa thành lập đường Ban Quản lý toà nhà, chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng, hệ thống phòng cháy chữa cháy tê liệt, hệ thống thoát hiểm không đảm bảo, hầm bể phốt vỡ nhưng không được khắc phục, chủ đầu tư phớt lờ quyết định đình chỉ hoạt động trung tâm thương mại từ phía cơ quan chức năng, không công khai quản lý, thu chi,…

Xưa nay, quyết định mua nhà của cư dân The Artemis khi xưa, cũng giống tâm lý chung của những người mua nhà được dựa trên uy tín của chủ đầu tư. Thời điểm đó, niềm tin dành cho một chủ đầu tư được giao phát triển dự án chuyển đổi từ đất quốc phòng là gần như tuyệt đối.

Công ty CP Đầu tư MHL tiền thân là Công ty CP ACC - Thăng Long (ACC Thăng Long), được thành lập vào tháng 1/2008. Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC (ACC) thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) đã tham gia vào quá trình góp vốn và là cổ đông sáng lập của ACC Thăng Long.

Mối liên hệ này là cơ sở quan trọng giúp ACC Thăng Long nắm trong tay dự án số 3 Lê Trọng Tấn và sau này phát triển thành tổ hợp Artemis.

Này 16/8/2010, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định số 2978/QĐ-BQP phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tại số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân (chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng) vào mục đích kinh tế. Bốn tháng sau, Bộ Tổng Tham mưu thu hồi khu đất trên để giao cho ACC quản lý.

Tháng 2/2015, dự án The Artemis chính thức được khởi công. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khu đất, dự án được đề xuất chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất quốc phòng có thời hạn thành đất sử dụng ổn định, lâu dài.  

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2171/TTg-KTN, ngày 28/3/2016, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1166/QĐ-BQP, chính thức chuyển khu đất dự án thành đất sử dụng lâu dài và giao cho ACC Thăng Long làm chủ đầu tư dự án số 3 Lê Trọng Tấn.

Bên cạnh The Artemis Lê Trọng Tấn, ACC Thăng Long còn là chủ đầu tư dự án The Artemis II nằm tại số 448 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Tương tự dự án đầu tiên, The Artemis II cũng là khu đất có nguồn gốc đất quốc phòng, được sử dụng làm đất đối ứng dự án BT xây dựng, cải tạo doanh trại sư đoàn bộ/f367/Quân chủng Phòng không - Không quân. Tháng 1/2016, ACC Thăng Long được chỉ định là nhà đầu tư dự án này.

Tính đến ngày 15/12/2017, ngoài số tiền đã nộp cho Bộ Quốc phòng tương đương 30% giá trị khu đất xây dựng dự án, ACC Thăng Long đã hoàn thành 95% việc xây dựng các công trình BT và 95% nghĩa vụ tài chính để thực hiện chuyển đổi khu đất này. Tuy nhiên, đến nay dự án BT vẫn đang được rà soát và chưa thể bàn giao khu đất cho doanh nghiệp.

Được biết, Artemis II là một trong số dự án trọng điểm được UBND TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư sau thời gian dài chậm trễ.

Đáng chú ý, mặc dù đóng vai trò “bệ đỡ” và là cơ sở quan trọng giúp ACC Thăng Long giành được các dự án giá trị, nhưng ACC lại không đóng vai trò quyết định tại doanh nghiệp này.

Thời điểm đầu năm 2018, ACC chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ của ACC Thăng Long. Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư IMG (IMG Group) sở hữu tới 50%. Một pháp nhân khác có liên quan là Công ty CP MT Gas (MT Gas) nắm trong tay 9,44%. Số còn lại 10,56% thuộc về tay nhà đầu tư nước ngoài SIMG. Pte. Ltd có trụ sở tại Singapore. Đáng nói, SIMG là doanh nghiệp do IMG thành lập năm 2012.

Ngày 13/2/2018, cơ cấu cổ đông của ACC Thăng Long chứng kiến sự thay đổi quan trọng. Trong khi  MT Gas thoái toàn bộ vốn, ACC giảm tỷ lệ sở hữu xuống 10% thì ở chiều ngược lại, IMG Group nâng tỷ lệ sở hữu lên 60,044%, trở thành cổ đông chi phối doanh nghiệp này. 

Tháng 7/2018, ACC Thăng Long tiến hành công bố thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, người đại diện pháp luật là ông Lê Tự Minh thay đổi chức danh từ Tổng giám đốc thành Chủ tịch HĐQT. Phải chăng, vai trò "cầm cương" của nhóm IMG tại ACC Thăng Long đã được thiết lập từ đây?

Tháng 10/2020, ACC Thăng Long đã đổi tên thành Công ty CP Đầu tư MHL như hiện nay, đồng thời chuyển địa chỉ trụ sở chính tới toà nhà văn phòng Athena (số 146 – 148 Đường Cộng Hoà, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh).

Về IMG Group, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 12/2007 với số vốn điều lệ ban đầu là 520 tỷ đồng do 3 cổ đông sáng lập là ông Lê Tự Minh góp 99,9%, bà Đặng Thị Hoài Thu góp 0,08% và bà Võ Thị Minh Toàn góp 0,02%.

Trong đó, ông Lê Tự Minh xuất thân là giáo viên trường sỹ quan Pháo phòng không, nay là Học viện Phòng không – Không quân. Ông cũng từng là học viên của Học viện Quân chính Lênin (sau đổi tên thành Đại học quân sự Moscow – Liên bang Nga) trong thời gian từ năm 1987 đến năm 1995. Năm 1996, ông Minh về nước, bắt đầu con đường kinh doanh với hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi là Gili Taxi Vũng Tàu và Gili Taxi Huế.

Chân dung doanh nhân Lê Tự Minh (Ảnh: Viettimes)
Chân dung doanh nhân Lê Tự Minh (Ảnh: Viettimes)

Đến năm 2002, ông Minh bắt đầu gia nhập thị trường bất động sản khi góp vốn thành lập Công ty TNHH Trường Xuân (đã giải thể), thực hiện dự án Khu đô thị Petro Quảng Ngãi, Khu đô thị Trường Xuân. Cuộc chơi “địa ốc” của ông Minh được tiếp tục với sự ra đời khách sạn Gerbara Huế và Công ty CP Khách sạn Hoàng Thành năm 2006 (đã chuyển nhượng năm 2013), Công ty CP IMG Phước Đông – đơn vị kinh doanh khu công nghiệp cầu cảng Phương Đông năm 2007, ACC Thăng Long và IMG Huế - chủ đầu tư Khu đô thị An Cựu City đơn vị năm 2008, Công ty CP Việt Long Quảng Ngãi năm 2009 (sau đó sáp nhập vào IMG), IMG Quảng Ngãi năm 2014 (sáp nhập vào IMG Huế năm 2016).

Bên cạnh đó, hệ sinh thái IMG Group còn có hai doanh nghiệp tại nước ngoài là SIMG được thành lập năm 2012 tại Singapore và AIMG được thành lập năm 2017 tại Úc.

Hệ sinh thái IMG Group hiện nay
Hệ sinh thái IMG Group hiện nay

Trung bình cứ khoảng 1 năm rưỡi, ông Lê Tự Minh lại thành lập một công ty, mỗi công ty có một câu chuyện riêng, từ đó tạo nên “đế chế” IMG Group ngày nay. Theo số liệu công bố từ đơn vị này, tổng quy mô các dự án mà IMG Group đang khai thác và triển khai có quy mô 180ha, tổng giá trị 15.000 tỷ đồng.

Theo Chất lượng và cuộc sống