Hết quán quân rồi đến á quân nợ thuế, Đức Khải 'đốt' sạch vốn
Từng là Quán quân nợ thuế, hiện tại, Đức Khải Corp đã lùi xuống vị trí Á quân. Nhưng điều đó không có nghĩa tình hình được cải thiện khi số nợ thuế và thua lỗ tăng lên.
Hành trình dài nợ thuế
Công ty cổ phần Đức Khải (Đức Khải Corp) là một công ty bất động sản nhiều thành lập. Với tuổi đời lớn (thành lập năm 2005), Đức Khải đã có những đối tác lớn như Tập đoàn Phát Đạt tại dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng. Tại dự án này, Tổng CTCP Đền bù Giải tỏa (thành viên của Đức Khải) đóng vai trò thực hiện dự án.
Đã có thời, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Đức Khải là ông Phạm Ngọc Tân (sinh năm 1994). Chủ tịch công ty là ông Phạm Ngọc Lâm -người từng gây xôn xao dư luận khi tuyên bố sẽ chi 1.500 tỷ đồng mua 100 tàu cá, 2 trực thăng.
Còn hiện tại, người đại diện pháp luật là ông Phạm Văn Lai.
Năm 2020, trong báo cáo gửi Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngày 5/1/2021, Cục Thuế TP.HCM xác định Đức Khải là “Á quân” nợ thuế với số tiền 441 tỷ đồng, chỉ sau Công ty cổ phần Gamuda Land (541 tỷ đồng).
Mới đây, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế đợt 3/2022. Theo đó, Đức Khải duy trì vị trí Á quân với gần 500 tỷ đồng, chỉ sau Công ty CP Đầu tư phát triển Sài Gòn – SDI (570 tỷ đồng).
Trước đó, năm 2019, Đức Khải đứng ở vị trí Quán quân.
Cụ thể, trong danh sách các đơn vị và cá nhân nợ thuế kỳ 10 năm 2019 do Cục thuế TP.HCM công khai, có 1.577 đơn vị và cá nhân nợ thuế với tổng số tiền nợ hơn 3.301,79 tỷ đồng.
Dẫn đầu là Công ty cổ phần Đức Khải (kinh doanh chính là bất động sản, đền bù giải tỏa, thương mại và logistics) với tổng số tiền nợ thuế hơn 404,7 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc nợ thuế nặng của Đức Khải bắt đầu từ năm 2019 vì trước đó, trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế 2018 do Cục thuế Tp.HCM công bố, Đức Khải không bị “điểm danh” với số tiền lớn.
Các doanh nghiệp đứng đầu về nợ thuế năm 2018 tại TP.HCM có số nợ “thua xa” hiện tại như Công ty TNHH Thương mại Lô Hội (trụ sở đặt tại quận 3) với số nợ thuế 105,3 tỷ đồng; kế đến là Công ty CP May Minh Hoàng nợ 70,7 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên nợ 65 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất giày Phú Sơn 37 tỷ đồng…
Đã “đốt” sạch vốn
Có thể thấy 2019 là năm “bản lề” về nợ thuế của Đức Khải. Đó là thời điểm Đức Khải chứng kiến 3 năm liền thua lỗ với các khoản lỗ 79,7 tỷ đồng (năm 2017), 106 tỷ đồng (năm 2018), 28,9 tỷ đồng (năm 2019). Trong 3 năm này, tổng số lỗ mà Đức Khải phải gánh là 214,6 tỷ đồng.
Bước sang năm 2020, Đức Khải không những không cải thiện được tình hình mà bức tranh tài chính lại trở nên tệ hại hơn khi công ty gánh thêm khoản thua lỗ kỷ lục 138 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 4 năm liên tục, tổng số lỗ công ty phải chịu lên tới 352,6 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với 219 tỷ đồng vốn chủ sở hữu hồi cuối năm 2016. Vì vậy, tính tới ngày 31/12/2020, Đức Khải đã “đốt” sạch vốn, khiến vốn chủ sở hữu âm tới 129 tỷ đồng.
Thế nhưng, tài sản của công ty vẫn là đạt ngàn tỷ đồng. Điều đó có nghĩa tài sản Đức Khải Corp chủ yếu tập trung ở nợ.
Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả tại công ty lên tới 3.597 tỷ đồng và không thể so sánh với vốn chủ sở hữu vì công ty đã âm vốn.
2020 không phải là năm duy nhất Đức Khải Corp nợ nần lắm. Đó là chuỗi ngày dài triền miên.
Tại ngày 31/12/2016, nợ phải trả của công ty lên tới 4.912 tỷ đồng, cao gấp 22,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 95,7% tổng nguồn vốn công ty.
Tình hình tài chính của công ty rất căng thẳng nhưng hiện tại, Đức Khải vẫn có hai dự án đang sắp triển khai. Đó là dự án ICD và dự án C30.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Đức Khải có đảm bảo đủ dòng tiền để thực hiện dự án và trả nợ thuế hay không.