Hết vỏ bình gas, ngân hàng rao bán cả thuốc bảo vệ thực vật để thu hồi nợ
Trước áp lực nợ xấu, để thu hồi nợ, thời gian gần đây hàng loạt ngân hàng đã rao bán tài sản đảm bảo, từ những món nợ có giá trị lớn như bất động sản, máy móc,… đến những món đồ không ai nghĩ đến như vỏ bình gas và nay có cả thuốc bảo vệ thực vật.
Ngày 5/10 vừa qua, ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Nhuận thông báo bán đấu giá 123 tấn thuốc bảo vệ thực vật với giá khởi điểm hơn 5 tỷ đồng. Tiền đặt trước là 10% giá khởi điểm, tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá là 500.000 đồng/hồ sơ, bước giá tối thiểu 10 triệu đồng.
Ngân hàng dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 9/10/2020. Hình thức đấu giá là trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá.
Phía Agribank đặt yêu cầu khách hàng mua tài sản đấu giá phải tự kiểm tra thông tin, chất lượng hàng hoá bán đấu giá và chịu mọi chi phí liên quan đến việc kiểm tra chất lượng hàng hoá bán đấu giá.
Cũng trong đầu tháng 10/2020, Agribank tiếp tục thông báo đấu giá nhiều tài sản và khoản nợ. Tài sản đấu giá đa dạng từ bất động sản, dây chuyền sản xuất máy móc, ôtô.
Chẳng hạn, Agribank Sóc Trăng rao bán là khoản nợ của CTCP Xây dựng Thương mại Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy Sản Mỹ Thanh phát sinh từ khoản vay năm 2011 và của doanh nghiệp tư nhân Phương Hà phát sinh từ năm 2010. Giá bán khởi điểm chung của 2 khoản nợ là 64 tỷ đồng. Agribank chi nhánh Sóc Trăng đang lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Trần Liên Hưng với giá khởi điểm 83 tỷ đồng. Agribank Bắc Kạn rao bán ô tô con VERNA với giá 150 triệu đồng,...
Việc ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo là những khoản nợ có giá trị lớn từ chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng như bất động sản, nhà xưởng, máy móc, xe sang,... không còn xa lạ. Thế nhưng, việc ngân hàng rao bán cả vỏ bình gas đến thuốc bảo vệ thực vật lại tạo sự chú ý của dư luận.
Trước đó, Ngân hàng BIDV rao bán tài sản đảm bảo của nhiều khoản nợ hàng chục tỷ đồng. Trong đó có khoản nợ của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải tại BIDV Bắc Hà Nội, với tổng dư nợ tính đến ngày 3/2/2020 là hơn 32 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ này bao gồm các thiết bị máy móc, nhà kho chứa hàng, quyền sử dụng đất, 90.065 vỏ bình gas, 13 xe ô tô bao gồm cả xe tải và xe con. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có 406.325 cổ phiếu của Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải. Giá khởi điểm của khoản nợ này là gần 21,2 tỷ đồng, thấp hơn 11 tỷ đồng so với dư nợ. Đây là lần thứ 5 BIDV chào bán khoản nợ này.
Ngoài ra, kể từ đầu năm đến nay, BIDV cũng đang “chật vật” rao bán nhiều khoản nợ ‘khủng’ dù đã đại hạ giá để gấp rút thu hồi nợ xấu nhưng vẫn chưa đến hồi kết.
Chẳng hạn như rao bán lần thứ 8 tàu chở hàng Ocean Queen từ 300 tỷ đồng xuống 194 tỷ đồng; bán đấu giá tài sản lần 5 khoản nợ của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung Ương với giá khởi điểm hơn 104 tỷ đồng; bán đấu giá lần thứ 17 toàn bộ khoản nợ của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân từ 1.208 tỷ đồng xuống 800 tỷ đồng; bán đấu giá lần thứ 31 toàn bộ khoản nợ của Công ty dệt may Thúy Đạt với giá giảm từ 176 tỷ đồng xuống 83 tỷ đồng;…
Đáng chú ý, từ đầu năm, hàng loạt ngân hàng rao bán ô tô với giá rẻ bất ngờ. Điển hình “ông lớn” Vietcombank thanh lý 10 xe hơi hiệu Kia đời 2008-2011 với tình trạng nguyên vẹn, nhưng có dấu hiệu xuống cấp, giá khởi điểm cho các tài sản này chỉ từ 60-70 triệu đồng/chiếc.
Kể từ khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 8/2017, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng ồ ạt rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Trong danh mục mà ngân hàng đưa ra đấu giá phần nhiều là bất động sản, máy móc, nhà xưởng, ô tô.
Còn hiện tại, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các ngân hàng lớn nhỏ càng ráo riết rao bán các tài sản đảm bảo, các khoản nợ xấu để gấp rút thu hồi nợ. Danh mục đưa ra đấu giá có phần đa dạng và mới lạ hơn.
Giới chuyên gia lo ngại nợ tiềm ẩn, nợ xấu ở các ngân hàng thương mại gia tăng khi số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động những tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ.
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Minh Hoàng cho hay, nhiều ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ khi dịch Covid-19 kéo dài. Thực tế này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, nợ xấu đang tăng lên, nguyên nhân chính là dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, năng lực trả nợ của doanh nghiệp. Các ngân hàng có đua nhau phát mãi nợ xấu cũng không dễ tìm được khách hàng để bán.
Agribank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành
Tính đến 30/6/2020, tổng nợ xấu của Agribank lên mức 24.463 tỷ đồng, tăng 39,5% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu do nợ nhóm 4 tăng 94,5% lên 3.805 tỷ và nợ nhóm 5 tăng 39,4% lên 17.285 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,56% vào cuối năm 2019 lên mức 2,15%. Đây là mức nợ xấu cao nhất ngành ngân hàng, cao hơn cả BIDV.
6 tháng đầu năm 2020, Agribank ghi nhận lãi trước và sau thuế lần lượt đạt gần 6.947 tỷ đồng và hơn 5.556 tỷ đồng, giảm 11% và 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Phương (T/h)/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/het-vo-binh-gas-ngan-hang-rao-ban-ca-thuoc-bao-ve-thuc-vat-de-thu-hoi-no-d83439.html