Hiện thực hoá mục tiêu "net zero": Việt Nam cần thêm gần 370 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, để hiện thực hóa các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 mà Thủ tướng đã cam kết tại COP26, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040.

 

Hiện thực hoá mục tiêu

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Net zero là đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ.

Tại Hội thảo "Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Công Thương tổ chức sáng 17/8 tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết: Để thực hiện các cam kết mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26, đến năm 2050, Việt Nam cần thêm (giá năm 2020) khoảng 100 tỷ USD cho thích ứng biến đổi khí hậu, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050.

Hiện thực hoá mục tiêu "net zero": Việt Nam cần thêm gần 370 tỷ USD - Ảnh 1

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu- hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, việc cụ thể hóa từ cam kết toàn cầu thành mục tiêu quốc gia đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết, thì vấn đề lớn nhất ở đây chính là nguồn lực thực hiện.

Về tổng thể, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố cho thấy, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, hay xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.

Trong đó, riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử carbon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng, gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022- 2040.

"Ước tính nêu trên của Ngân hàng Thế giới là một minh chứng cho thấy, năng lượng là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu- hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Cần sự hỗ trợ của quốc tế

Liên quan đến chuyển dịch năng lượng, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

Là 1 trong 5 quốc gia được đánh giá là phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển xanh vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đồng thời cũng chính là hướng đi để Việt Nam xây dựng một ngành năng lượng có tính tự chủ cao, ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững được xem là yếu tố then chốt để giảm phát thải khí nhà kính, đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu và là một trong 10 định hướng quan trọng của Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Hiện thực hoá mục tiêu "net zero": Việt Nam cần thêm gần 370 tỷ USD - Ảnh 2

Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững được xem là yếu tố then chốt để giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26, mục tiêu đến năm 2030 giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng lượng phát điện.

Quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng gợi mở, muốn thành công khi chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển. Thực tế, đóng góp phát thải khí nhà kính của Việt Nam rất nhỏ, chỉ khoảng 0,8% so với tổng lượng phát thải của toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2019.

Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật một cách thỏa đáng từ các đối tác phát triển để triển khai thành công lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.

Ngành điện cần đạt đỉnh phát thải trước năm 2035

Về chính sách cho chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam, bà Trần Hồng Việt - Phụ trách Năng lượng, khí hậu và tăng trưởng xanh, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam khuyến nghị, theo kịch bản net zero, mức phát thải cần đạt đỉnh muộn nhất vào năm 2035 để đạt được mục tiêu và tránh chi phí quá cao. Nên tập trung vào điện hóa tất cả các ngành và lĩnh vực.

Để đạt được net zero với chi phí thấp nhất, điện từ năng lượng tái tạo cần là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân.

Với hệ thống điện, cần phát triển điện mặt trời trang trại ở mức tối đa có thể để giảm chi phí, tiếp theo là điện gió. Hạn chế xây dựng thêm các nhà máy điện khí và LNG. Khẩn trương tăng cường và mở rộng hệ thống truyền tải.

Trước năm 2030, ngành điện cần đạt đỉnh phát thải trước 2035 và trước các ngành khác. Chỉ xây dựng các nhà máy điện khí và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới ở mức tối thiểu. Tăng tối đa công suất điện mặt trời trang trại và điện gió; tăng cường và mở rộng lưới truyền tải.

Sau năm 2030, cần phát triển hệ thống tích trữ năng lượng, phát triển điện gió ngoài khơi quy mô lớn. Đồng thời sản xuất hydro xanh và các nhiên liệu điện phân khác...

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam