Hiện trạng dự án Vành đai 2 tại TP.HCM 'lận đận' 16 năm vẫn chưa hoàn thành
Dự án đường Vành đai 2 có vai trò quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Tuy nhiên, cho đến nay, đường Vành đai 2 hiện vẫn còn 14km (chia làm 4 đoạn) chưa được hoàn thành.
Vành đai 2 là tuyến đường quan trọng, kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm. Tuyến đường Vành đai 2 được quy hoạch năm 2007, có chiều dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Đến nay, tuyến đường này mới hoàn thành khoảng 50km, còn 14km chưa hoàn tất, chia làm 4 đoạn, bao gồm đoạn từ đường Võ Nguyễn Giáp đến Phạm Văn Đồng.
Tuyến đường quy hoạch chạy quanh các quận, huyện vùng ven đô này giúp giảm tải áp lực giao thông nội thành, rút ngắn thời gian đi lại của người dân. Cụ thể, tuyến đường đi qua quận Bình Tân, quận 7, quận 8, quận 12, huyện Bình chánh và TP. Thủ Đức.
Hiện tại ở đường Võ Chí Công, cầu Phú Hữu đang được đưa vào sử dụng. Đây là tuyến đường quan trọng kết nối các khu công nghiệp, cảng lớn đến khu công nghệ cao và xa lộ Hà Nội nên có nhiều phương tiện giao thông hạng nặng như xe tải, xe container di chuyển.
Ngay dưới chân cầu Phú Hữu là phân đoạn 1 chưa hoàn thành của Vành đai 2. Tuyến đường có chiều dài 3,5km từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội. Vừa qua, UBND TP.HCM đã lấy ý kiến các sở ngành liên quan để để xuất xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỷ đồng) từ ngân sách TP.HCM.
Công trình khởi công từ quý II/2025, hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2026. Quy mô dự án gồm làm đường song hành hai bên với 6 làn xe (mỗi đường rộng 17m, quy mô 3 làn xe), tại nút giao Bình Thái được thiết kế nút giao hoàn 3 tầng. Hiện nay tuyến đường nối đã xây dựng nhưng đang bị đứt ngang từ chân cầu Phú Hữu hướng về ngã tư Bình Thái.
Trong khi đó, đoạn 2 của Vành đai 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài khoảng 2,75km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.956 tỷ đồng), bằng vốn ngân sách TP.HCM.
Dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên (mỗi đường rộng 16,5m, đáp ứng 3 làn xe, để trống ở giữa 34m phục vụ mở rộng đường sau này). Đồng thời, xây dựng 2 nhánh cầu Rạch Ngang, xây dựng nút giao 3 tầng tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2.
Đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức), dài 2,7km đã triển khai từ năm 2017, nhưng đang dang dở. Công trình được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng.
Vướng mắc trong thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư và chậm đền bù, giải tỏa khiến dự án dừng từ tháng 3/2020 đến nay, khi đạt gần 44% khối lượng.
Sau gần 4 năm ngưng trệ, công trường dự án um tùm cỏ dại, hình thành những đường mòn dân sinh đi tắt qua khu vực. Nhiều hạng mục thi công dở dang, sắt thép đã hoen gỉ sau thời gian dài phơi nắng mưa. Từ khi dự án bị ngưng, nhà đầu tư rút toàn bộ công nhân, chỉ thuê người ở lại trông coi. Người dân sinh sống quanh khu vực đã tận dụng đất trống để chăn thả bò.
Còn đoạn 4 dài 5,3km của Vành đai 2 nối Quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh tổng mức đầu tư 16.400 tỷ đồng, được Sở GTVT TP.HCM đề xuất làm theo hai giai đoạn trước năm 2030. Đoạn này được đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc huy động vốn bên ngoài, bao gồm cả việc nghiên cứu đầu tư bằng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Vừa qua, khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua giúp TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho một số dự án giao thông theo hình hợp đồng BT. Trong đó, có đề cập đến phân đoạn 3 của đường Vành đai 2. Đây là tín hiệu cho thấy dự án sẽ sớm tái khởi động trở lại.
Đường Vành đai 2 tái khởi công cũng giúp các dự án bất động sản đang triển khai quanh khu vực có thêm sức hút. Nằm ngay cạnh tuyến Vành đai 2, có nhiều dự án nổi bật như: Thăng Long Home Hưng Phú, Fiato Premier, Phúc Yên Prosper Phố Đông…
Vành đai 2 có có ý nghĩa rất quan trọng đối với quy hoạch giao thông của thành phố. Bởi theo Sở GTVT, hiện nay lượng hàng hóa tập trung về khu vực phía đông thành phố ngày càng tăng nên, việc đầu tư xây dựng khép kín tuyến đường vành đai 2 là cấp thiết và cần triển khai thực hiện ngay. Đồng thời, khi hoàn thiện toàn tuyến đường Vành đai 2 sẽ từng bước tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.