Hiện trạng siêu dự án vành đai 4 vùng Thủ đô 86.000 tỷ sau 5 tháng thi công
Sau 5 tháng khởi công, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đang tiến hành triển khai theo đúng kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ từng ngày.
Dự án Vành đai 4 được khởi công vào ngày 25/6/2023, do Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô tổ chức khởi công. Tổng mức đầu tư dự án là gần 86.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án đầu tư công khu vực phía Bắc. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027.
Dự án có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Điểm đầu của dự án tại nối điểm cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hà Long. Theo thiết kế, đường Vành đai 4 sẽ rộng 14 làn xe, 6 làn cao tốc và 8 làn đường đô thị 2 bên.
Trải qua 5 tháng thi công, “siêu dự án" 86.000 tỷ đang dần thành hình. Trên địa bàn quận Hà Đông, phần đường song hành Vành đai 4 đang được đổ cát, lu nền.
Trên địa phận huyện Hoài Đức, mũi thi công nằm cạnh Đại lộ Thăng Long đang được triển khai hướng về đê Song Phương. Hiện tại, nền đường đang được đẩy mạnh san lấp.
Cùng với đó, giáp quốc lộ 6 nhà thầu hiện đang tập kết bãi đá xây dựng. Điểm giao cắt này nằm ngay sát bến xe Yên Nghĩa và điểm cuối cùng của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông giai đoạn 1.
Dự án Vành đai 4 tại huyện Thường Tín hiện được đánh giá có tốc độ triển khai khá tốt với nhiều máy móc và công nhân. Trên nhiều đoạn, khung tuyến đường đã được hình thành cơ bản. Trong ảnh là khu vực xã Khánh Hà, nơi chuẩn bị xây cầu vượt sông Tô Lịch.
UBND TP Hà Nội đề xuất mức giá sử dụng cao tốc Vành đai 4 - vùng Thủ đô là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km trong giai đoạn 2027-2029, sau đó điều chỉnh tăng giá 3 năm/lần cho đến khi hoàn vốn. Mức giá và lộ trình điều chỉnh được xây dựng theo phương pháp so sánh với quy định tại Điều 5, Thông tư số 25 của Bộ Tài chính.
Khung phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc có tham chiếu khung giá vé của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 đang được triển khai, cũng như khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định tại Thông tư số 35 của Bộ Giao thông Vận tải.
UBND TP Hà Nội cho biết, tính theo khung giá này sẽ đảm bảo khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận cho nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Mặc khác, mức thu phí này phù hợp với sức chi trả của người sử dụng phương tiện.
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, sẽ thiết kế 5 nút liên thông hoàn chỉnh bao gồm Nội Bài – Lào Cai; trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; Ngọc Hồi – Phú Xuyên. 3 nút giao quy hoạch (Quốc lộ 32; Hồ Tây – Ba Vì; Ngọc Hồi – Phú Xuyên) đồng thời có giải pháp thiết kế bố trí các làn tách, nhập vào đường cao tốc cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện.
Về quy mô các cầu lớn qua sông (cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng), hồ sơ thiết kế báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang các cầu từ 17,5m lên 24,5m để bố trí đủ cho 4 làn xe cơ giới và mỗi bên 1 làn xe máy, xe thô sơ lưu thông, đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thông, phù hợp tổng thể dự án.