Hoà Phát 2025: Đầu tư 3 KCN, vận hành nhà máy 85.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, DN này chuẩn bị đầu tư để phát triển thêm 3 khu công nghiệp, đồng thời sẽ cho vận hành nhà máy 85.000 tỷ đồng ở Quảng Ngãi.

Thêm 3 khu công nghiệp mới

Tổng quỹ đất khu công nghiệp của Hòa Phát được quy hoạch hiện đạt hơn 1.133 ha, tập trung tại các tỉnh Hưng Yên và Hà Nam.

KCN Phố Nối A (Hưng Yên) đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 95%, thu hút 164 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động.

Hoà Phát 2025: Đầu tư 3 KCN, vận hành nhà máy 85.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Thêm 3 khu công nghiệp mới.

Đây là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Tiếp đà tăng trưởng, giai đoạn 2 của dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Các lô đất sẵn sàng bàn giao cho nhà đầu tư với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp Yên Mỹ II hiện đạt gần 50%.

Song song phát triển các khu công nghiệp, Tập đoàn đang tích cực triển khai dự án nhà ở xã hội quy mô 31 ha tại KCN Yên Mỹ II.

Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát đang thực hiện các thủ tục đầu tư để phát triển thêm 3 khu công nghiệp trong thời gian tới.

Vận hành nhà máy 85.000 tỷ đồng

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được triển khai từ quý I/2022 với quy mô 280ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành lắp đặt thiết bị phân kỳ 1 và chuẩn bị đưa vào hoạt động thử nghiệm từ đầu quý I/2025, đúng tiến độ đề ra. Phân kỳ 2 của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.

Hoà Phát 2025: Đầu tư 3 KCN, vận hành nhà máy 85.000 tỷ đồng - Ảnh 2
Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) .

Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó 8,6 triệu tấn là thép HRC chất lượng cao. Nhà máy mới vận hành sẽ đưa Tập đoàn trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực.

Trong năm qua, thép chất lượng cao của Hòa Phát đã được sử dụng trong Khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Sản phẩm còn được xuất khẩu sang Mỹ, Mexico, Peru... nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Tại thị trường trong nước, thép Hòa Phát đã góp mặt trong nhiều dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, các tuyến Metro tại Hà Nội và TP. HCM, cùng nhiều dự án trọng điểm khác.

Trong định hướng tương lai, Hòa Phát sẽ tiếp tục phát triển các dòng thép đặc biệt như thép ray tàu cao tốc, thép kỹ thuật điện, thép tấm, thép hình... nhằm phục vụ các ngành công nghiệp ô tô, đường sắt, đóng tàu và gia công kết cấu.

Tập đoàn Hòa Phát đạt hơn 34.000 tỷ đồng trong quý 3, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (28.766 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (85.431 tỷ đồng), hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024.

Quý III/2024, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 3.022 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước (2.000 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với 85%, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp.

Tập đoàn cũng đã nộp ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt số nộp cả năm 2023.

 

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance