HSC: Thoái vốn càng kéo dài, rủi ro Habeco bị tụt hậu trong cạnh tranh càng lớn
Nhận định về tiến trình bán vốn Nhà nước tại Haebco, HSC cho rằng chênh lệch giữa định giá của Nhà nước và Carlsberg là khá lớn khiến việc thống nhất giữa hai bên trở nên khó khăn. “Trên thực tế, đàm phán càng kéo dài thì rủi ro Habeco bị tụt hậu trong cạnh tranh càng lớn”, HSC đánh giá.
Habeco ngày càng mất dần thị phần
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Theo HSC, trong những năm gần đây, Habeco đã gặp khó khăn khi cạnh tranh với các hãng bia lớn như Heineken và Sabeco cũng như các công ty bia nước ngoài với những sản phẩm tung ra thị trường dưới chính sách bán hàng và marketing hiệu quả, nhắm vào khách hàng trẻ và có thu nhập tốt.
Trong khi đó, Habeco vẫn “dậm chân tại chỗ”.
“Công ty có vẻ chưa tập trung vào đổi mới sản phẩm, hoạt động marketing và khuyến mãi. Công ty cũng không có chỗ đứng hoặc chỉ hiện diện ít ỏi bên ngoài thị trường chính là thị trường miền bắc. Trong khi đó các hãng bia quốc tế đã và đang dần lấy mất thị phần của công ty. Bia Hà Nội được coi là thương hiệu mang tính truyền thống và không thu hút được đối tượng người tiêu dùng chính là người trẻ ở khu vực thành thị có thu nhập cao”, HSC nhìn nhận.
Công ty chứng khoán này dẫn chứng, Habeco hiện bán 9 sản phẩm, bao gồm bia chai và bia lon thương hiệu Hà Nội và Trúc Bạch cũng như bia hơi thương hiệu Hà Nội. Trong khi đó danh mục của Sabeco gồm 11 sản phẩm.
“Thị trường bia ở Việt Nam ngày càng phân mảnh với nhiều dòng sản phẩm như bia cao cấp, bia trung cấp và bình dân cùng với một số dòng bia khác. Đối với các doanh nghiệp sản xuất bia tham vọng mở rộng toàn quốc, việc có mặt ở từng dòng sản phẩm là yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh đó chiến lược phân phối và marketing là những thước đo khác cho thấy hiệu quả hoạt động của các công ty bia”, HSC cho hay.
Habeco, mặc dù sở hữu 16,2% thị phần được xem là thương hiệu bia địa phương khi lượng tiêu thụ và phân phối ngoài 25 tỉnh phía bắc còn hạn chế. Trái lại, Sabeco được tiêu thụ tốt ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cũng như khắp vùng Nam Bộ với hơn 50% thị phần ở hai thị trường này. Mạng lưới phân phối của Sabeco ở phía Bắc cũng ngày càng nhiều hơn và họ đã đạt hơn 10% thị phần ở miền Bắc.
“Đây là thách thức đối với Habeco và thực tế là Habeco đã mất dần thị phần từ 20% trong năm 2015 xuống 16,2% vào cuối năm 2017. Chúng tôi nhận thấy vẫn còn tiềm năng rất lớn để công ty cải thiện sản phẩm, hệ thống phân phối và hoạt động nếu thực hiện tái cơ cấu”, HSC cho biết.
Thoái vốn càng kéo dài thì rủi ro Habeco bị tụt hậu trong cạnh tranh càng lớn
Đã có những phát biểu đề cập đến việc thoái một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước cho đối tác chiến lược nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa diễn ra. Carlsberg có quyền từ chối mua cổ phần và chính phủ vẫn đang theo đuổi phương án này.
“Trên thực tế, đàm phán càng kéo dài thì rủi ro Habeco bị tụt hậu trong cạnh tranh càng lớn”, HSC đánh giá.
HSC dự đoán rằng chênh lệch giữa định giá của Nhà nước và Carlsberg là khá lớn khiến việc đi đến thống nhất giữa hai bên trở nên khó khăn.
“Có vẻ như Nhà nước vẫn sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Carlsberg theo những phát biểu gần đây của Thứ trưởng Bộ Công thương trên truyền thông, cho biết quá trình tìm kiếm đối tác và thực hiện thương vụ này có thẻ kéo dài hơn. Dĩ nhiên, nhà nước có thể phải cân nhắc những phương án khác như trong trường hợp của ACV. Thách thức đặt ra là Sabeco, cùng với đối tác tỏ ra quyết liệt hơn với nỗ lực giành lại thị trường trong những năm tới. Trong khi đó Habeco bị bỏ lại đằng sau do việc đàm phán vẫn kéo dài”, HSC nêu quan điểm.
Theo HSC, nếu việc bán cổ phần Nhà nước sớm được thực hiện, triển vọng lợi nhuận của Habeco trong 3 năm tới sẽ tốt hơn nhiều.
Theo Thanh Long / Vietnamfinance