HSG gia tăng tồn kho giữa lúc giá thép lên đỉnh: 'Con dao hai lưỡi'?
Khi giá thép tăng cao, việc gia tăng tích trữ nguyên vật liệu sẽ giúp doanh nghiệp hưởng lợi. Tuy nhiên, sẽ là rủi ro nếu thị trường đột ngột đảo chiều.
Hàng tồn kho tại HSG hơn 9.000 tỷ đồng
Vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt 1.035 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý 2 niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021), tăng 415% so với cùng kỳ.
Theo số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng xuất khẩu tôn mạ của HSG quý 1/2021 đạt 310.005 tấn, dẫn đầu và chiếm hơn 41% tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành. Quý 1/2021, HSG tăng thị phần tôn mạ lên 35,5%, trong khi cả năm 2020 là 33.4%. Thị phần ống thép của HSG cũng đạt 19,48% từ mức 16,8% của năm trước.
Đáng chú nhất là hàng tồn kho của Hoa Sen tăng phi mã trong 3 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 (tức là quý 2 trong niên độ 2020-2021 của Hoa Sen) cho thấy tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đang có hơn 9.067 tỷ đồng hàng tồn kho tại ngày 31/3/2021, tăng gần 3.500 tỷ so với ngày đầu niên độ 1/10/2020, tương đương tăng 63%, chiếm 41% tổng tài sản.
Trong đó, tập chung chủ yếu ở nguyên vật liệu lên tới 3.651 tỷ đồng, tăng 223% so với đầu năm. Tiếp đến là thành phẩm với 2.051 tỷ đồng, chỉ tăng 21%. Như vậy, nhìn chung, HSG đang đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu, vật liệu trong kỳ để phòng trường hợp giá thép tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Liên quan đến vay và nợ thuê tài chính, tính đến 31/3/2021, chủ nợ lớn nhất tại HSG là ngân hàng Vietinbank với khoảng 2.815 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản nợ vay tài chính ngắn hạn, dài hạn đến hạn trả tại HSG hiện khá nhiều.
Đáng chú ý, hệ số khả năng thanh toán hiện hành phản ánh mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn và các khoản nợ ngắn hạn tại HSG ở mức 1,13 lần. Điều này cho thấy khả năng thanh toán hiện hành chưa cao, HSG khó có thể thanh toán được hết các khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả).
Hơn nữa, hệ số khả năng thanh toán nhanh tại HSG chỉ ở mức 0,39 lần. Có thể thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ.
Ngoài hàng tồn kho tại HSG tăng mạnh, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC - HOSE) cũng ghi nhận trong quý I/2021 đã tăng hơn 1.049 tỷ đồng tồn kho lên gần 2.855 tỷ đồng và chiếm 36% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là nguyên vật liệu tăng thêm 501 tỷ đồng lên hơn 1.123 tỷ đồng; hàng hoá tăng thêm 455 tỷ đồng lên 1.097 tỷ đồng.
Tại CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH - HOSE) cũng đã tăng 429 tỷ đồng lên 2.072 tỷ đồng và chiếm 57% tổng tài sản. Trong đó, nguyên liệu, vật liệu tăng thêm gần 92 tỷ đồng lên 347 tỷ đồng; thành phẩm tăng thêm 273 tỷ đồng lên 1.607 tỷ đồng.
Tích trữ tồn kho giữa lúc giá thép tăng mạnh: Thận trọng rủi ro
Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương Mại, Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, 3 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 2,92 triệu tấn, thu về trên 2,04 tỷ USD, giá trung bình 699,2 USD/tấn, tăng 47% về lượng, tăng 85% kim ngạch và tăng 26% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel) nhận định, nhu cầu thép trên toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm 2021, đạt 1.874 triệu tấn; năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng 2,7%, đạt 1.924,6 triệu tấn. Còn theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thị trường thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể thiết lập một mặt bằng mới và kỳ vọng giá thép có thể giữ đà tăng hết quý 3/2021.
Không có gì khó hiểu về việc gia tăng tồn kho của HSG và một số doanh nghiệp ngành thép khác khi nhu cầu và giá thép được dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Do đó, doanh nghiệp tích trữ hàng tồn kho là việc đương nhiên.
Thế nhưng, chiến lược này là dao hai lưỡi, bởi nếu như giá nguyên liệu tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn, nhưng khi giá nguyên liệu bất ngờ đảo chiều sẽ có thể khiến lợi nhuận giảm hoặc thậm chí lỗ lớn do phải đánh giá lại tồn kho.
Điều này đã từng xảy ra với nhóm thương mại xăng dầu năm 2020, khi giá dầu bất ngờ lao dốc trong 6 tháng đầu năm 2020 phải tăng trích lập dự phòng tồn kho.
Thậm chí, trog quá khứ, HSG từng thực hiện đầu cơ giá nguyên vật liệu và cuối cùng giá thép giảm xuống, khiến doanh nghiệp phải trải qua một giai đoạn dài tái cơ cấu.
Giá thép - vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi phí của mỗi công trình xây dựng - tăng cao đã làm chi phí của các công trình xây dựng tăng mạnh. Điều này sẽ khiến các chủ đầu tư và nhà thầu phải suy nghĩ lại thời điểm xây dựng các dự án để có mức giá thành hợp lý và chấp nhận được. Động thái này cũng có thể tác động đến giá thép.
Trước tình hình giá thép liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng đã có "đơn kêu cứu" gửi văn phòng Chính phủ vì lo ngại nguy cơ vỡ trận, phá sản.
Theo VACC, các nhà thầu xây dựng trên cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý 1, đặc biệt ở tháng 4/2021.
Trước tình hình này, VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường, để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu để tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.