Hút dòng tiền 5 triệu tỷ đồng tiền gửi trong ngân hàng đầu tư sang trái phiếu
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng, hiện nay, lượng tiền gửi dân cư nằm trong hệ thống ngân hàng khoảng trên 5 triệu tỷ đồng. Vấn đề ở đây là thị trường trái phiếu nói riêng và các cái loại hình tài sản tài chính khác nói chung cần có những điều chỉnh chính sách để hút dòng tiên vào đầu tư tài chính dài hạn.
Thị trường trái phiếu suy giảm trên 90%
Đánh giá về thị trường trái phiếu những tháng đầu năm 2023, trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, tại thị trường thứ cấp đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên tại thị trường sơ cấp vẫn rất trầm lắng do yếu tố cầu.
“Thứ nhất là đối với phía ngân hàng, công ty bảo hiểm thì cả hai đối tượng này bây giờ cũng không được mua các trái phiếu phát hành để mà cơ cấu nợ. Còn đối với các công ty chứng khoán trước đây, họ mua trái phiếu doanh nghiệp để mà phân phối cho nhà đầu tư cá nhân, thì bây giờ nhà đầu tư cá nhân họ gần như không có nhu cầu. Trong khi đó, công ty quản lý quỹ, vốn là có một phần đầu tư từ quỹ và một phần là ủy thác đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, thì lại đang gần như không có dòng tiền mới. Còn về nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài thì có một số nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường trái phiếu Việt Nam nhưng còn rất là nhỏ”, bà Nga nói.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng khẳng định so với cùng kỳ của năm ngoái thì năm nay tính sôi động của thị trường trái phiếu đã giảm trên 90%.
Theo ông Quỳnh, sau giai đoạn thị trường có những biến động, việc các tổ chức phát hành có lãnh đạo bị bắt để điều tra hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra tâm lý thị trường. Tuy nhiên đến nay, sau một thời gian, nhà đầu tư đã định hình lại các thông tin, nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn, không còn tình trạng đổ xô đi bán trái phiếu bằng mọi giá. Đây là tín hiệu tích cực bước đầu và cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hoạt động chân chính có cơ hội để từng bước phục hồi và đảm bảo được năng lực trả nợ cho nhà đầu tư.
Đánh giá thêm, ông Quỳnh cũng cho hay hầu hết tại các quốc gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không phải dành cho các nhà đầu tư không chuyên.
“Nói như vậy không phải là với nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không có rủi ro. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ ý thức được và họ hiểu được và họ chấp nhận rủi ro khi họ lựa chọn những sản phẩm đầu tư và phương án hay là phương thức đầu tư như vậy. Nhìn chung là chúng ta đều cần phải liên tục học hỏi, nâng cao kiến thức của mình và nếu nhà đầu tư hiểu thì mới tham gia”, ông nêu.
Cùng nhận định, bà Nguyễn Thị Hằng Nga đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp không phải là thị trường dành cho nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ và không chuyên.
“Trước đây nhiều nhà đầu tư vẫn đánh đồng việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giống như mình đi gửi ngân hàng nhưng thực ra thì nó rất khác. Bởi vì, nếu chỉ để được lợi suất cao hơn khoảng 3-4% so với cả tiền gửi ngân hàng mà nhà đầu tư lại có một rủi ro rất lớn và có thể không nhận được toàn bộ gốc hay là chỉ nhận được một phần, hoặc bị hoãn trả nợ…thì đó cũng là rủi ro khá lớn so với cả lợi nhuận mà mang lại”, bà Nga cho hay.
Cần điều chỉnh về mặt chính sách
Dự báo thị trường trong thời gian tới, bà Nga cho rằng tình hình thị trường đã có điểm tích cực khi lãi suất tiền gửi giảm. Kéo theo đó, các nhà đầu tư sẽ phải tìm kiếm những cơ hội đầu tư với lãi suất cao hơn, trong đó có việc bắt đầu tìm kiếm trở lại những khoản đầu tư vào trái phiếu.
"Thực tế, nguồn tiền trên thị trường dù qua tổ chức nào thì cũng từ nhà đầu tư cá nhân. Khi niềm tin của nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự quay trở lại thì cầu thị trường sẽ vẫn còn yếu, bởi vì để khôi phục niềm tin thì cũng cần mất thời gian", bà Nga nói.
Theo đánh giá của Tổng thư ký VBMA, không chỉ tại Việt Nam, tất cả các nước ở trên thế giới luôn có những nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư phù hợp với hiểu biết, khẩu vị rủi ro của họ.
“Hiện nay, riêng lượng tiền gửi dân cư nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại, kể cả sau các biến cố vẫn đâu đó phải trên 5 triệu tỷ đồng. Vấn đề ở đây là với thị trường trái phiếu nói riêng và các cái loại hình tài sản tài chính khác nói chung, để mà hút được dòng tiền của nhà đầu tư thì chúng ta cần phải có những điều chỉnh về mặt chính sách về nhận thức và hành vi của các đối tượng tham gia thị trường”, ông Quỳnh nêu.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga đánh giá tổng tín dụng trên cả nước đã vượt qua 130%, vì vậy nhu cầu về nguồn vốn dài hạn qua thị trường trái phiếu để cho doanh nghiệp phát triển là rất lớn. Theo đó, giải pháp căn cơ và dài hạn nhất là tập trung phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, theo bà Nga, Chính phủ có thể đưa ra những khuyến khích về thuế; Ngân hàng Nhà nước cũng cần cân nhắc cơ chế tái cấp vốn khi các quỹ đầu tư có vấn đề về thanh khoản…
"Rất mong là Chính phủ sẽ cho phép các quỹ được đầu tư vào các trái phiếu phát hành riêng lẻ chứ không chỉ là trái phiếu phát hành ra công chúng hay là trái phiếu niêm yết, bởi vì trong thời gian tới thì các trái phiếu riêng lẻ cũng sẽ được đăng ký giao dịch tập trung tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và việc mở rộng này cũng sẽ giúp cho các quỹ cũng có thể giảm thiểu rủi ro, danh mục cũng sẽ đa dạng hơn. Còn đối với doanh nghiệp phát hành thì cũng nên cân đối cấu trúc vốn của mình một cách phù hợp, chỉ nên phát hành trái phiếu khi những dự án đầu tư đó có hiệu quả và cần minh bạch thông tin", bà nói.