Huyện đất liền nhỏ nhất Việt Nam chỉ rộng hơn 60km2, là đầu mối giao thông quan trọng, đang phấn đấu lên quận

Nơi đây tự hào là một địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Huyện Thanh Trì, Hà Nội có diện tích nhỏ nhất trong các huyện của nước ta (không tính 11 huyện đảo), với 63km2. Đây là huyện cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, có địa thế thấp dần về phía Đông Nam theo dòng chảy của sông Hồng. Trên địa bàn huyện, sông Tô Lịch chảy qua và kết nối với sông Nhuệ ở phía Tây Nam. Thanh Trì gồm 15 xã và 1 thị trấn, với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô, huyện Thanh Trì có nhiều thuận lợi để giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh phía Nam.

Bản đồ hành chính huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: UBND huyện Thanh Trì  
Bản đồ hành chính huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: UBND huyện Thanh Trì  

Thanh Trì tự hào là một địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Huyện có 56 cụm di tích, bao gồm 2 tượng đài và đài tưởng niệm, được xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng và văn hóa nghệ thuật. Trong đó, có hai làng khoa bảng nổi tiếng là làng Tả Thanh Oai (xã Tả Thanh Oai) và làng Nguyệt Áng (xã Đại Áng), cùng nhiều danh nhân văn hóa của đất nước, tiêu biểu Văn thế sư biểu Tiên Triết Chu Văn An.

Cổng chào huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Nhàn  
Cổng chào huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Nhàn  

Tại Thanh Trì, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của khu vực ngoại thành Hà Nội đã ra đời vào tháng 5/1930 tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ. Đây cũng là quê hương của nhiều đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, trong đó có đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Huyện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến chống Pháp.

Lễ hội Đình Hoa Xá - Minh Ngự Lâu ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thanh Trì  
Lễ hội Đình Hoa Xá - Minh Ngự Lâu ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thanh Trì  

Ngoài ra, Thanh Trì còn có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, khu công nghiệp, trường học và cơ sở y tế của Trung ương và thành phố. Nhiều ngành nghề truyền thống như mây tre đan Vạn Phúc, bánh chưng, bánh dày Chanh Khúc,... là thế mạnh và tiềm năng quý giá, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của huyện.

Thanh Trì còn có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, khu công nghiệp, trường học và cơ sở y tế của Trung ương và thành phố. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thanh Trì  
Thanh Trì còn có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, khu công nghiệp, trường học và cơ sở y tế của Trung ương và thành phố. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thanh Trì  

Đầu năm 2024, thực hiện chủ trương của TP. Hà Nội về triển khai Đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, cùng với các chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển 5 huyện thành quận của thành phố, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Trì khóa 24 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định nhiệm vụ phát triển huyện Thanh Trì thành quận vào năm 2025 là mục tiêu trọng yếu. Huyện đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và những khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo các Chi bộ và Đảng bộ thực hiện thành công mục tiêu này.

Thanh Trì gồm 15 xã và 1 thị trấn, với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô. Ảnh: Vĩnh Hoàng  
Thanh Trì gồm 15 xã và 1 thị trấn, với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô. Ảnh: Vĩnh Hoàng  

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Thanh Trì đã đạt 30/34 tiêu chuẩn để trở thành quận, các xã dự kiến chuyển thành phường cũng đã đạt 13/16 tiêu chuẩn. Quá trình xây dựng huyện lên quận và xã lên phường đã giúp Thanh Trì có những bước phát triển rõ rệt.

Khả Vy

Theo Chất lượng và Cuộc sống