IMF duy trì dự báo tăng trưởng GDP 4,7% cho năm 2023 của Việt Nam
Giới chuyên gia IMF duy trì dự báo mức tăng trưởng GDP 4,7% cho năm 2023, nhưng bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một điểm sáng. |
Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu trong bối cảnh biến động địa chính trị hiện nay, nhưng khu vực này vẫn có thể đối mặt với những thách thức đáng kể trong thời gian tới. Đây là nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương công bố ngày 18/10 tại Singapore.
IMF dự báo tăng trưởng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay có thể đạt 4,6%, tăng so với mức 3,9% của năm 2022, và sẽ tiếp tục là điểm sáng so với mức tăng trưởng toàn cầu dự kiến đạt 3% trong năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực dự báo sẽ giảm xuống còn 4,2% vào năm 2024 bởi động lực tăng trưởng đang chậm lại.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF, nhận định: “Triển vọng toàn cầu được hỗ trợ bởi động lực tiêu dùng tiếp tục hồi phục ở Mỹ, nhưng phải đối mặt với áp lực từ khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, lập trường thắt chặt chính sách trên toàn thế giới, hậu quả của xung đột Nga - Ukraine và sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng tăng. Dù môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một điểm sáng, đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu”.
Các chuyên gia tại IMF cho rằng sự xoay chuyển nhu cầu toàn cầu sang lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ là trở ngại cho khu vực, bất chấp triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Mỹ.
Đối với kinh tế Việt Nam, giới chuyên gia IMF duy trì dự báo mức tăng trưởng GDP 4,7% cho năm 2023, nhưng bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025. Điều này là bởi nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm 2023, song nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch COVID-19 vẫn được duy trì.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Singapore, ông Shanaka Peiris, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khu vực thuộc Vụ châu Á-Thái Bình Dương của IMF cho rằng có nhiều dấu hiệu về sự phục hồi của Việt Nam trong quý IV/2023, dù rất khó để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra. Việt Nam đang gặp khó về các lĩnh vực xuất khẩu hay bất động sản và ngành tài chính, nhưng đang có sự hồi phục. Khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ vượt qua được "những cơn gió ngược ngắn hạn" và sẽ duy trì được động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị cũng như dòng vốn FDI.