Khảo sát 1.000km đường Hồ Chí Minh: 200km đường với 13 đoạn có nguy cơ sạt lở

Vấn đề quan trọng nhất trong xử lý sạt lở là phải xây dựng các hệ thống thoát nước thật tốt.

Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (KHĐC&KS), bộ Tài nguyên và môi trường vừa kết thúc chuyến thực địa khảo sát cùng với các chuyên gia địa chất của Na Uy trên chiều dài hơn 1.000km dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (Hà Tĩnh – Kon Tum). Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn TS Trần Tân Văn (ảnh trên), viện trưởng viện KHĐC&KS quanh kết quả chuyến khảo sát này.

Qua khảo sát dọc đường Hồ Chí Minh, ông cho biết đánh giá sạt lở, lũ quét tại khu vực này?

Trong một tuần (từ ngày 7 – 12.4.2011), trên đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Hà Tĩnh đến Kon Tum dài trên 1.000km, chúng tôi đã xác định được 13 đoạn với chiều dài gần 200km có nguy cơ sạt lở với gần 200 điểm trượt lớn nhỏ. Hầu hết các đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao đều trùng với các đoạn đèo, dốc ở ranh giới giữa các tỉnh, như: đèo Đá Đẽo, đèo Khu Đăng (Quảng Bình); đèo Sa Mùi (Quảng Trị); đèo Pe Ke (Thừa Thiên – Huế); đèo A Roằng giữa Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam…

Ông cho biết sự nguy hiểm, khác biệt những đoạn đèo này?

Đặc điểm chung của các đoạn đèo này là địa hình cao và dốc rất nhiều so với xung quanh. Trên tuyến đường, chúng tôi phân loại được nhiều nhóm đất đá, nhiều kiểu vỏ phong hoá khác nhau, đồng thời xác định được nhiều đới đứt gãy, phá huỷ kiến tạo. Thí dụ: các đoạn đèo Đá Đẽo, đèo Lò Xo trùng với các đới đứt gãy lớn, dễ sạt lở; đoạn đèo Khu Đăng chạy qua khu vực phân bố các đá núi lửa, rất dễ bị giập vỡ, phong hoá, gây ra sạt lở; khu vực đèo Sa Mùi, Quảng Trị phân bố nhiều đá granit, bị phong hoá hoàn toàn thành đất, nên khi bị mưa, dễ trượt.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những biện pháp công trình mà bên giao thông áp dụng nhằm giảm sạt lở tại đây?

Vấn đề quan trọng nhất trong xử lý sạt lở là phải xây dựng các hệ thống thoát nước thật tốt. Tuy nhiên, tại rất nhiều điểm trên đường Hồ Chí Minh, vấn đề này lại chưa được giải quyết triệt để. Chủ yếu mới làm các đường cơ, giảm độ cao sườn dốc, tạo độ dốc thu thoát nước. Chúng tôi đã khảo sát trên 30 điểm sạt lở lớn, nghiêm trọng, có nguy cơ làm mất đường, gián đoạn giao thông trên toàn tuyến, tuy nhiên, mình vẫn chưa có biện pháp để đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ. Mùa mưa lũ năm ngoái, sạt lở xảy ra ở khu vực huyện Tây Giang, Quảng Nam đã làm gián đoạn giao thông hàng tháng trời.

Ông có kiến nghị gì về những giải pháp nhằm giảm nhẹ tai biến sạt lở tại khu vực này?

Muốn giảm nhẹ tai biến sạt lở, trước hết phải làm tốt công tác khảo sát địa chất, địa kỹ thuật. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã đề xuất một bảng tra cứu rất tiện lợi. Trên cơ sở kiểu loại đất đá, mức độ giập vỡ nứt nẻ, mức độ phong hoá, điều kiện nước ngầm, ta có thể xác định chiều cao và góc dốc của taluy đường một cách dễ dàng.

Ngoài ra, việc nổ mìn phá đá, các đơn vị thi công thường tiết kiệm, chỉ khoan một số ít lỗ rồi dùng một lượng thuốc nổ lớn để phá đá. Thế giới người ta lại làm ngược lại, họ khoan nhiều lỗ và mỗi lỗ chỉ tra một lượng nhỏ thuốc nổ. Như thế sẽ tạo ra bề mặt sườn dốc phẳng phiu, đất đá ít bị nứt nẻ, giập vỡ do nổ mìn.

Kế đến là vấn đề thoát nước triệt để giúp giảm nguy cơ sạt lở, bằng cách bảo vệ tốt bề mặt sườn dốc, chống xói lở, xói mòn. Việc bảo vệ chỉ bằng cách lát các tấm bêtông đúc sẵn và dùng vữa bịt các khe trống giữa chỉ lát được nửa chừng phần chân sườn dốc, còn phần trên đành chịu để cho nước mưa gây rãnh xói. Có thể dùng lưới địa kỹ thuật phủ bề mặt, găm giữ trên sườn dốc, tạo điều kiện để cây cỏ mọc lên bảo vệ bề mặt.

Trong việc phòng tránh, giảm nhẹ sạt lở, sụt lún, vai trò của người dân là như thế nào, thưa ông?

Hiện tượng đốt rừng làm nương đã thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của tuyến đường. Trong khi chưa có giải pháp nào tốt hơn để đảm bảo cuộc sống, vẫn phải chấp nhận để người dân địa phương chặt cây, dọn cỏ làm nương. Người dân được trả công để tham gia duy tu bảo dưỡng, làm tốt công tác thoát nước, khơi thông cống rãnh, bảo vệ bề mặt sườn dốc.

Nhà nước nên thi hành chính sách bảo hiểm thiên tai, để người dân ở các vùng hạ lưu, các đô thị lớn, những nơi điều kiện sống tốt hơn, ít bị thiên tai hơn đóng góp, giúp ổn định cuộc sống của đồng bào miền núi, những nơi nghèo hơn và dễ bị thiên tai hơn, để họ khỏi phá rừng, gây hậu quả cho người dân miền xuôi.

Theo Thanh Tuyền

SGTT