Khối ngoại trở lại mua ròng trở lại – Tín hiệu cho cột mốc nâng hạng?

Khối ngoại đã giải ngân mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt trong những ngày qua, tương đồng với diễn biến mua ròng mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài trước, trong và sau thời điểm nâng hạng đã từng diễn ra tại nhiều thị trường như UAE, Chile, Qatar, Trung Quốc, Arab Saudi, Romania…

Dòng tiền ngoại quay lại nhanh và dứt khoát

Trong những phiên tăng mạnh mẽ gần đây của VN-Index, lực đẩy đáng kể đến từ dòng vốn ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng và gia tăng hiện diện trên thị trường. Đáng chú ý, làn sóng mua ròng đầu tiên ghi nhận vào phiên 2/7 – thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng lên Việt Nam.

Ngay sau thông tin này, khối ngoại có động thái giải ngân mạnh mẽ, với giá trị mua ròng lên tới 12.500 tỷ đồng trên sàn HoSE chỉ sau hai tuần. Động thái này đặt ra câu hỏi lớn: nguồn vốn từ đâu đang chảy vào thị trường Việt Nam?

Khối ngoại trở lại mua ròng trở lại – Tín hiệu cho cột mốc nâng hạng?
Khối ngoại trở lại mua ròng trở lại – Tín hiệu cho cột mốc nâng hạng?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận định: “Dòng tiền quay trở lại lần này từ khối ngoại diễn ra rất nhanh và rất nóng”. Ông cho biết, theo dõi trên kênh ETF, hai quỹ VanEck Vietnam và DCVFMVN Diamond đang được rót vốn mạnh nhất, lần lượt hút về 29 triệu USD và gần 14 triệu USD trong tuần qua. Tổng cộng, các ETF đã thu hút thêm khoảng 37 triệu USD – một con số đáng kể, cho thấy sự quan tâm trở lại rõ rệt từ nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài yếu tố kỹ thuật như p-notes, nhà đầu tư ngoại đang chú ý và giải ngân tại Việt Nam. Xu hướng này rất ăn nhập với câu chuyện kỳ vọng nâng hạng sắp tới, theo ông Trần Hoàng Sơn.

Liên quan đến câu chuyện nâng hạng, ông Sơn cho rằng Việt Nam đã có những cải thiện rõ nét cả về hệ thống giao dịch lẫn hành lang pháp lý. Việc triển khai giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước (non pre-funding) theo Nghị định 68 là một bước tiến quan trọng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và hạ tầng giao dịch. Tính đến nay, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí then chốt do FTSE Russell đặt ra.

“Sau khi hệ thống KRX chính thức vận hành, kết hợp với việc đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản và đăng ký nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã ghi điểm mạnh trong mắt các tổ chức đánh giá xếp hạng. Ngay cả khi chưa triển khai xong cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP), chúng ta vẫn có thể tiến gần đến chuẩn mực của FTSE”, ông Sơn phân tích. Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng cần tiếp tục theo dõi việc xử lý lỗi trong chu kỳ thanh toán – yếu tố luôn được FTSE đưa ra như một điểm cần cải thiện triệt để.

Ông kỳ vọng thời gian tới, hệ thống KRX sẽ cho phép thực hiện thêm nhiều cải tiến, chẳng hạn như rút ngắn chu kỳ thanh toán và triển khai các sản phẩm tài chính mới. Những nỗ lực này đang khiến giới đầu tư quốc tế đánh giá cao.

Đáng chú ý, theo ông Sơn, diễn biến mua ròng mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài trước, trong và sau thời điểm nâng hạng đã từng diễn ra tại nhiều thị trường như UAE, Chile, Qatar, Trung Quốc, Arab Saudi, Romania… VPBankS hiện đánh giá khả năng Việt Nam được FTSE nâng hạng vào tháng 9 tới là khoảng 70%. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện, khả năng còn lại 30% sẽ rơi vào kỳ đánh giá tiếp theo vào tháng 3/2026.

Rung lắc để tiếp tục đi lên

VN-Index hiện đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 1.500 – 1.545 điểm, mức từng được thiết lập vào giai đoạn cuối năm 2021 và đầu 2022. Với đà tăng mạnh hiện nay, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng việc vượt đỉnh này chỉ còn là câu chuyện thời gian. Theo ông, nếu dòng tiền nước ngoài tiếp tục duy trì sự tích cực như hiện tại, VN-Index có thể thiết lập đỉnh mới ngay trong cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

“Chỉ riêng tuần vừa qua, thị trường đã tăng tới 5% – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2022 đến nay. Thanh khoản cũng đạt đỉnh lịch sử, với khối lượng giao dịch lên tới 6,1 tỷ cổ phiếu. Với nền tảng vĩ mô tích cực, chính sách tiền tệ đang trong xu hướng nới lỏng, cùng kỳ vọng cải cách thể chế, luật mới hỗ trợ tăng trưởng và khả năng nâng hạng, thị trường chứng khoán đang có nhiều yếu tố hậu thuẫn để đi lên”, ông Sơn phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng chỉ số đang chạm đến vùng cản kỹ thuật mạnh sau ba tháng tăng liên tiếp (tháng 5, 6 và 7). VN-Index hiện đã chạm sát vùng Fibonacci 100%, đồng thời chỉ số RSI trên đồ thị tuần đã tiến vào vùng quá mua. Trong quá khứ, khi RSI đạt ngưỡng 75–80, thị trường thường xuất hiện các nhịp rung lắc, điều chỉnh ngắn hạn – điển hình như các giai đoạn tháng 12/2020 và tháng 6/2021.

Dù vậy, ông Sơn nhấn mạnh xu hướng hiện tại là xu hướng tăng (uptrend), thị trường sẽ rung lắc, nhưng là để đi lên, chứ không đi xuống. “Việc phá vỡ xu hướng tăng là rất khó khi thị trường đã vào chu kỳ đi lên rõ rệt. RSI theo đồ thị ngày hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2019, điều này cho thấy khả năng rung lắc trong nửa cuối tháng 7, đầu tháng 8 là điều cần lường trước”, ông nhận định.

Ông cũng lưu ý thêm: nếu nhà đầu tư cố gắng xác định “đỉnh kỹ thuật” thì sẽ rất khó, bởi thị trường hiện nay không tạo đỉnh nhọn, mà thiên về mô hình “đỉnh tù” – tức là diễn biến dao động trong biên độ hẹp, tích lũy, điều chỉnh nhẹ rồi tiếp tục đi lên.

Hải Đường

Theo Vietnamfinance