Khối nợ xấu nghìn tỷ của ông chủ VPBANK

Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này sau giao dịch mua bán cổ phiếu giữa vợ và con gái.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu “khủng” nhất trên mức 3% trong năm 2019.

Phân tích nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã HoSE: VPB) tính tới thời điểm 31.12.2019, theo số liệu từ Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, so sánh với các ngân hàng khác trên hệ thống thì VPBank đang có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.

Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn tăng khoảng 16,6% từ 202.527 tỉ đồng lên 236.147 tỉ đồng. Nợ cần chú ý tăng 4,8% từ 11.667 tỉ đồng lên 12.238 tỉ đồng.

Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 26% từ 4217 tỉ đồng lên 5311 tỉ đồng. Nợ nghi ngờ giảm 14,5% từ 1691 tỉ xuống 1447 tỉ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tăng 9,7% từ 1857 tỉ đồng lên 2038 tỉ đồng.

Cho vay khách hàng tăng 15,8% so với đầu năm, thấp hơn trung bình của một số ngân hàng thương mại lớn. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 3,49% xuống mức 3,42%.

Ngân hàng đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu VAMC trị giá hơn 3.100 tỉ còn lại trong năm 2019.

Đáng chú ý, trước đó, theo báo cáo tài chính cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đã giảm mạnh xuống còn 5,35%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu tại công ty này đã tăng khá mạnh trở lại trong nửa cuối năm vừa qua.

Công ty tài chính này chưa công bố báo cáo tài chính 2019 song với dư nợ cho vay đạt 60.594 tỷ đồng, tính toán của chúng tôi cho thấy nợ xấu của FE Credit cuối năm 2019 khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank là 2,18%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất là 2,95%, vẫn đáp ứng dưới mức 3%. Ngân hàng cũng đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu VAMC trị giá hơn 3.100 tỷ còn lại trong năm 2019.

Năm 2019, tổng khối lượng giải ngân của FE Credit đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Dư nợ cho vay đạt 60.594 tỷ đồng, tăng 13,75%.

Tổng thu nhập hoạt động năm 2019 của FE Credit (không bao gồm thu nhập khác) đạt 18.152 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2019. NIM năm 2019 đạt 31,3%, cao hơn so với mức 28,4% năm 2018.

Chi phí hoạt động ở mức 5.688 tỷ đồng, tăng 25,67% so với năm 2018. Theo đó, tỷ lệ chi phí hoạt động/ tổng thu nhập (CIR) năm 2019 chỉ ở mức 31,3%, cải thiện so với mức 32,1% năm 2018.

Ông Chủ của VPBank là ai?

Mặc dù kín tiếng với giới truyền thông nhưng Ngô Chí Dũng lại là cái tên quen thuộc trong ngành ngân hàng. Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Dũng đã có 8 năm gắn bó với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) từ năm 1996 với tư cách là cổ đông sáng lập và thành viên HĐQT.

Từ năm 2006, ông Dũng tiến thêm bước nữa khi trở thành Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trước khi chính thức đảm nhiệm vị trí cao nhất tại VPBank vào năm 2010.

Ông Dũng sinh năm 1968, là kỹ sư địa chất công trình tại Liên bang Nga và là tiến sỹ kinh tế Viện nghiên cứu chiến lược chính trị thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Một sự trùng lặp thú vị là, ông Dũng cũng như nhiều ông chủ ngân hàng cũng như các tập đoàn lớn ở Việt Nam đều xuất thân từ kinh doanh mỳ tôm.

Nếu như cặp bài trùng Phạm Nhật Vượng – hiện là Chủ tịch Vingroup và Lê Viết Lam – Chủ tịch Sun Group gây dựng lên “đế chế mỳ tôm” tại Ucraina thì cặp đôi Đặng Khắc Vỹ - Ngô Chí Dũng chiếm lĩnh thị trường Nga.

Công ty Rolton của ông Vỹ và Dũng thậm chí còn thắng trận trong “cuộc chiến mỳ tôm” tại Nga với hai “ông trùm” khác là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh – những người sáng lập lên Masan và là một trong số ít cặp “đại gia Đông Âu” vẫn còn kinh doanh mỳ gói.

Khi trở về nước, cặp đôi Vỹ - Dũng tiếp tục đồng hành và đồng sáng lập Ngân hàng VIB. Mặc dù vậy, vị thế của ông Dũng khá mờ nhạt khi ông Vỹ trở thành Chủ tịch HĐQT VIB còn ông Dũng không có dấu ấn gì đáng kể.

Năm 2006, ông Dũng ‘chia tay’ người bạn kinh doanh lâu năm và bắt tay với những người từng là đối thủ ở Nga là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh để trở thành Phó chủ tịch HĐQT Techcombank. Mặc dù vậy, trong thời gian 4 năm ở ngân hàng này, vai trò của ông Dũng cũng khá mờ nhạt.

Giao dịch người nhà

Năm ngoái, bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng, đã bán 4 triệu cổ phiếu VPBank cho con gái Ngô Minh Phương. Giao dịch diễn ra theo phương thức thỏa thuận ngày 8/8. Trước khi thực hiện giao dịch, bà Phương chưa hề nắm trong tay cổ phiếu nào của VPBank.

Theo giá cổ phiếu ngày 8/8, 4 triệu cổ phần VPBank bà Phương mua từ mẹ có giá trị thị trường 75 tỷ đồng. Còn theo giá cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch hôm qua 19/8, giá trị số cổ phần của con gái chủ tịch VPBank tăng lên 78 tỷ đồng.

Sau giao dịch bán cổ phần cho con, bà Hoàng Anh Minh nhường lại vị trí cổ đông lớn nhất ở VPBank cho chồng. Hiện bà Minh sở hữu 121 triệu cổ phiếu ngân hàng này, tương đương 4,78% vốn điều lệ. Còn ông Ngô Chí Dũng đang nắm 121,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,81% vốn VPBank.

 

Theo Sở hữu trí tuệ

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/khoi-no-xau-nghin-ty-cua-ong-chu-vpbank-d71165.html

Tin liên quan