Kịch bản nào khi đồng Euro lao dốc kỷ lục?
Sau 20 năm, đồng Euro “giảm sốc” ngang giá với đồng USD là một “cú sốc” lớn của nền kinh tế. Theo dự đoán “cú trượt dài” này của đồng Euro khó mà dừng lại, kéo theo đó là những hệ lụy và ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế Châu Âu cũng như cuộc sống của người dân.
Vì đâu đồng Euro mất giá?
Hiện chiếm 1/5 dự trữ ngoại hối thế giới, đồng tiền chung châu Âu vốn được xem là “kình địch” của đồng USD. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 của nền kinh tế Mỹ thì đồng Euro đã tăng giá trị lên gấp 1,6 lần đồng USD. Các nhà phân tích cho rằng, do ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chậm tăng lãi suất đã khiến đồng tiền chung Châu Âu rớt giá nhanh chóng ngang bằng với đồng USD.
Một trong những nguyên nhân chính khiến đồng Euro mất giá do Châu Âu đang chịu khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua và giá khí đốt tăng mạnh do ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukranine, nguồn cung năng lượng chủ yếu đến từ Nga. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy đáng lo ngại do cuộc suy thoái kéo dài. Thời điểm trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, đồng Euro có mức giao dịch khoảng 1,15 USD/euro, sau khi cuộc xung đột diễn ra mức giao dịch đồng Euro đã có một cú trượt dài xuống mức thấp khoảng 1,0007 USD/euro, đã gần chạm đến mức tương đương với đồng USD kể từ năm 2002.
Một yếu tố khác chính là sự khác biệt về mức lãi suất ở Mỹ và EU. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát, nhưng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn phản đối tăng mạnh lãi suất trong khi lạm phát đang lên cao. Theo ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của Đức và Áo tại tập đoàn tài chính ING, nói với DW: "Lãi suất ở Mỹ sẽ tăng lên 3% so với 1% ở châu Âu. Vì vậy, tiền sẽ chảy về nơi có lợi suất cao hơn".
Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang có nguy cơ phải đối mặt với tình hình nền kinh tế biến chuyển xấu khi Nga cắt nguồn cung khí đốt khiến giá khí đốt tăng cao và kéo theo đồng tiền chung Euro đi xuống. Các nước có nền kinh tế phát triển ở châu Âu như Đức và Italy phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga dẫn đến các nhà đầu tư hoang mang, lo lắng. Thêm vào đó các nhà kinh tế dự báo cuộc suy thoái ở châu Âu có thể diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, việc đồng tiền Euro suy yếu cũng được xem là yếu tố giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tại châu Âu, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhược điểm của việc đồng tiền suy yếu là khiến hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, đối với các công ty xuất khẩu sản phẩm ngoài khu vực EU khi giá đồng Euro giảm sẽ được hưởng lợi vì cạnh tranh hơn khi đổi sang USD, nhất là các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, xe hơi, hàng xa xỉ và hóa chất và các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Đức. Hơn hết, đồng tiền Euro rớt giá kéo theo lạm phát lên cao sẽ khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất nhanh hơn.
Kịch bản nào khi đồng euro rớt giá?
Đồng Euro rớt giá trầm trọng đã vô hình tạo thêm gánh nặng cho người dân và các doanh nghiệp ở Châu Âu khi đang chật vật, lo lắng với việc lạm phát tăng cao. Những hàng nhập khẩu bằng USD trở nên đắt hơn, đặc biệt nếu hàng nhập khẩu là nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian thì chi phí sẽ bị đội lên cao hơn nữa dẫn đến giá cả hàng hóa gia tăng. Những tác động này có thể sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.
Đồng tiền rớt giá bình thường được xem là tin tốt để thúc đẩy xuất khẩu vì sản phẩm, hàng hóa sẽ được tính rẻ hơn theo đồng USD. Tuy nhiên, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động tiêu cực đến hầu hết mọi khía cạnh kinh tế như việc chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn. Nhà kinh tế Carsten Brzeski nhận định “Trong tình hình căng thẳng địa chính trị như hiện nay, lợi ích từ việc đồng tiền yếu sẽ ít hơn so với những bất lợi mà nó đem đến”.
Tuy nhiên, đối với khách du lịch đến châu Âu thì việc đồng Euro rớt giá tương đương với đồng USD là một điều may mắn vì sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi quy đổi từ đồng Euro sang đồng USD. Còn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu giá cả sẽ rẻ hơn khi được tính bằng đồng USD.
Trong ngắn hạn, vòng xoáy trượt giá của đồng euro chỉ có thể đổi chiều khi những lý do khiến đồng tiền chung này sụt giảm được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề lạm phát, giá năng lượng và chiến sự ở Ukraine đều khó có được giải pháp hữu hiệu nếu như tình hình quốc tế không có thay đổi lớn nào. Nếu tình hình quốc tế không có thay đổi lớn nào, rất có khả năng tương lai của đồng euro sẽ tiếp tục đà giảm giá.