Kinh doanh thua lỗ, Apax Holdings của Shark Thủy 'nợ nần chồng chất'

Apax Holdings ghi nhận nợ phải trả tăng mạnh từ 2.228 tỷ đồng cuối năm 2020 lên hơn 3.069 tỷ đồng vào cuối 2021, trong đó nợ dài hạn tăng mạnh từ 514 tỷ đồng lên gần 1.408 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  
Mới đây, CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã CK: IBC) của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu thuần giảm hơn 43% so với cùng kỳ xuống 352 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 52% xuống còn hơn 87 tỷ đồng.

Lý do doanh thu và lợi nhuận của Apax Holdings giảm được cho là do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các công ty thành viên phải tạm dừng hoạt động giảng dạy để đảm bảo các biện pháp chống dịch theo quy định.

Dù kết quả quý IV hồi phục mạnh so với 3 quý đầu năm nhưng lợi nhuận sau thuế quý IV chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, Apax Holdings ghi nhận doanh thu tài chính tăng vọt thêm gần 100 tỷ đồng nhờ bán các khoản đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng ghi nhận chi phí tài chính tăng gấp đôi do phát sinh lãi trả trái phiếu.

Tới cuối kỳ, Apax Holdings ghi nhận nợ phải trả tăng mạnh từ 2.228 tỷ đồng cuối năm 2020 lên hơn 3.069 tỷ đồng vào cuối 2021, trong đó nợ dài hạn tăng mạnh từ 514 tỷ đồng lên gần 1.408 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ của Apax Holdings là rất lớn nếu so với quy mô vốn điều lệ hơn 830 tỷ đồng và vốn hóa thị trường khoảng 1.700 tỷ đồng. Tổng nợ vay của Apax Holdings lên tới trên 2.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 2020. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IBC đang ở mức thấp nhất 1 năm qua, 20.450 đồng/cp.

Năm 2021, Apax Holdings đã phải tạm dừng hoạt động giảng dạy theo quy định phòng chống dịch và gặp khó khăn chồng chất.

Chuỗi tiếng anh Apax English - công ty con của Apax Holdings phải xin giảm chi phí thuê mặt bẳng. Apax English bị CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hai Bà Trưng - chủ đầu tư và trực tiếp quản lý vận hành Toà nhà thương mại và văn phòng cho thuê CDC Building tại số 25-27 Lê Đại Hành - kiện vì nhiều lần không trả tiền thuê mặt bằng.

Nằm trong bộ ba chiến lược của Shark Thủy, Apax Holdings được Shark Thủy mua lại từ CTCP Đầu tư VN Benchmark, sau khi lên sàn Upcom vào tháng 5/2016, IBC tăng vốn điều lệ từ 63 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng và chính thức mang tên CTCP Apax Holdings, trong đó Egroup của Shark Thủy nắm giữ 30% cổ phần.

Ông chủ Apax Holdings nổi tiếng với những quyết định đầu tư khá mạnh tay cho các dự án khởi nghiệp trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Trong đó ông đã đầu tư 100 tỷ đồng cho chuỗi cửa hàng Soya Garden và rót hơn 30 tỷ đồng vào Web Escape. Tuy nhiên, do dịch covid-19, các dự án này cũng hoạt động không hiệu quả và âm thầm đóng cửa.

Sau loạt dự án đầu tư tốn kém, các công ty con của bầu Thủy phải phát hành trái phiếu để huy động vốn tái cấu trúc doanh nghiệp.

Riêng năm 2021, CTCP Anh ngữ Apax mà Apax Holdings đang sở hữu 68,9% cổ phần đã hai lần công bố kết quả chào bán trái phiếu. Lần gần đây nhất là lô trái phiếu AECCH2124002 với khối lượng 30.000 trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, tương đương 300 tỷ đồng, với kỳ hạn 3 năm, mức lãi suất cố định cho toàn kỳ là 12,5%/năm, tiền lãi trái phiếu được trả sau, định kỳ 3 tháng một lần

Trước đó, đầu năm 2021, Anh ngữ Apax công bố phát hành 2 triệu trái phiếu có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 12%/năm. Ước tính lần huy động 2 triệu trái phiếu này giúp Anh ngữ Apax mang về khoảng 200 tỷ đồng. Số tiền này giúp tối ưu hoá vận hành sản phẩm và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Trong báo cáo tài chính quý IV/2021, số nợ của Apax Holdings đến hết tháng 9/2021 chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện các đợt phát hành trái phiếu. Theo đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn đã tăng mạnh từ 477 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 1.055 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2021của Apax Holdings, khoản nợ trong vốn đi vay bằng hình thức trái phiếu đang ở mức hơn 600 tỷ đồng, khoản nợ dài hạn quý 4/2021 ở mức 1.380 tỷ đồng tăng 30,9% so với quý 3/2021, chi phí trả lãi vay 158 tỷ đồng.

Quang Duy

Theo Sở hữu trí tuệ