Lãi suất tăng, dòng tiền nhàn rỗi sẽ đổ mạnh về ngân hàng?
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi thị trường tài chính quá khó khăn thì nên năm giữ tiền mặt hoặc gửi vào ngân hàng để tối ưu hóa lợi nhuận. Số khác thì lại cho rằng vẫn còn nhiều loại tài sản có cơ hội sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm.
Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng lãi suất điều hành mới, tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%/năm, nhiều ngân hàng thương mại lập tức nâng lãi suất tiết kiệm. Biểu lãi suất huy động ngắn hạn ở nhiều kỳ hạn tăng lên mức tối đa cho phép.
Các ngân hàng như SCB, ACB, SHB, Kienlongbank, Eximbank, Vietcapital Bank, BacABank, VPBank... sớm có quyết định tăng lãi suất, ngay sau quyết định chính thức ngày 23/9 của NHNN.
Trong đó, ngân hàng SCB đã nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng từ 0,2%/năm lên kịch trần 0,5%/năm. Lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,9%/năm và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng. Ngân hàng ACB nâng lãi suất kỳ hạn 1 – 3 tháng lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, áp dụng cho gói ‘’Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn này là 4%/năm. Ngân hàng SHB tăng lãi suất các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 0,8 – 0,9 điểm phần trăm so với trước. Theo đó, các mức lãi suất này dao động trong khoảng 4,4 – 4,8%/năm.
KienlongBank tăng lãi suất từ 0,3-1%/năm. Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên tới 5%. Hiện gửi tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất? Theo tìm hiểu, đa số ngân hàng cổ phần nhỏ đều có mức lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, đặc biệt 13 tháng rất cao...
Ông Đinh Quang Hinh, trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô &chiến lược thị trường, công ty Chứng khoán VNDirect dự báo: “Sang năm 2023, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì và được dự báo lãi suất tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023. Theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước dịch là 7,0%/năm”.
Dòng tiền nhàn rỗi đang đổ mạnh về ngân hàng?
Các chuyên gia cho rằng, khi thị trường tài chính quá khó khăn thì nên nắm giữ tiền mặt hoặc gửi vào ngân hàng để tối ưu hóa lợi nhuận. Số khác thì lại cho rằng vẫn còn nhiều loại tài sản có cơ hội sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm.
Trước thực tế, tính từ đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã liên tục tăng lên, lượng tiền gửi có kỳ hạn đổ vào các tổ chức tín dụng cũng cao hơn so với các năm trước. Theo số liệu của NHNN về tiền gửi của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 6 số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi dân cư gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm 2021, đạt 5,84 triệu tỷ đồng). So với tháng 5, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 50.400 tỷ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng thêm hơn 318.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân trong bối cảnh kênh đầu tư như chứng khoán trồi sụt bất thường, còn thanh khoản trên thị trường bất động sản lại quá trầm lắng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng: “Với việc tăng lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng thương mại thì dòng vốn sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Trước đây có thể nhiều nhà đầu tư còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì lãi suất kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp. Nhưng nay, kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm nên nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn. NHNN công bố số liệu tiền gửi của hệ thống ngân hàng thương mại đến hết tháng 6 đã gia tăng và tôi nghĩ số liệu này trong quý 3/2022 vẫn tiếp tục đi lên”.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch công ty tư vấn tài chính AzFin cho biết tăng lãi suất sẽ làm cho kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh tài sản rủi ro. Tuy nhiên, ông lại có nhận định khác về thị trường chứng khoán và cơ hội đầu tư trong giai đoạn này. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ đi ngang trong biên độ tương đối hẹp đến hết năm 2022. Nhưng, vẫn sẽ có những cơ hội để đầu tư.
"Những ngành được hưởng lợi từ việc lãi suất tăng lên có đặc điểm là sức mạnh tài chính tốt hoặc có tiền gửi lớn như: Nhóm bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ vì tiền đầu tư của nhóm này là của doanh nghiệp, còn nhóm bảo hiểm nhân thọ thì có 1 phần khá lớn lợi nhuận tăng từ tiền gửi trả cho người mua bảo hiểm nên hưởng lợi ít hơn; Nhóm BĐS khu công nghiệp, đây là nhóm thường có lượng tiền trả trước của người thuê là rất lớn và họ thường đem đi gửi ngân hàng có kỳ hạn, do đó lãi suất tăng khiến thu nhập tài chính của họ tăng cao", ông Phục nhận định.