Loạt ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động, nhiều kỳ hạn niêm yết ở mức tối đa cho phép

Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng nhiều loại lãi suất điều hành, hàng loạt ngân hàng thương mại đưa ra biểu lãi suất huy động ngắn hạn mới.

Theo đó, ngày 22/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Kể từ ngày 23/9, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng 0,3%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm lên 5%/năm.

Loạt ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động, nhiều kỳ hạn niêm yết ở mức tối đa cho phép - Ảnh 1

Ngay sau thông báo của Ngân hàng Nhà nước, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động.

Điển hình là biểu lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng cá nhân từ ngày 23/9 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng theo trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tương tự, lãi tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trước đó được SCB trả lãi suất ở mức 4%/năm nay cũng tăng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng. Như vậy, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn tại SCB đã tăng tới 1 điểm % trong đợt điều chỉnh này.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được điều chỉnh từ mức 3,95% - 4%/năm lên 4,9% - 5%/năm. Đáng chú ý, vào đầu tháng 9, biểu lãi suất huy động tại nhà băng này cũng đã tăng 0,1-0,3 điểm % tại hầu hết kỳ hạn gửi.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân dưới 6 tháng lên mức trần 0,5%/năm (không kỳ hạn) và 5%/năm (kỳ hạn 1-5 tháng). So với đầu tháng 9, các mức lãi suất này của Kienlongbank đã tăng 0,3 điểm % và 1 điểm %.

Đầu tháng 9, Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,2%/năm và tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở 3,9%/năm. Hiện tại, các mức lãi suất này đã tăng lên lần lượt 0,5%/năm và 5%/năm, đều là mức cao kịch trần cơ quan quản lý cho phép.

Mặc dù không tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng lên kịch khung Ngân hàng Nhà nước cho phép nhưng nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã đưa ra biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 23/9 với mức tăng thêm 1-1,2 điểm % so với trước đó.

Các ngân hàng như BacABank, Eximbank, GPBank, SHB, OCB, SeABank, VIB, VPBank... hiện đều đưa ra mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở 0,5%/năm và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trên 4%/năm, phổ biến dao động quanh mức 4,5% - 4,9%/năm.

Đáng chú ý, trước đợt tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn này, một số ngân hàng thương mại đã có nhiều lần tăng mạnh lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, hồi đầu tháng 9, Sacombank, BacABank, SCB, Kienlongbank, Techcombank… đều đã tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân thêm 0,2-0,4 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.

Biểu lãi suất ở MBBank vào đầu tháng 9 còn được điều chỉnh tăng tới 0,2-0,95 điểm % tùy theo từng kỳ hạn. Trong khi đó, từ giữa tháng 3 đến nay, DongABank có tới 6 đợt tăng lãi suất, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tăng từ vị trí thứ 16 hồi đầu năm lên vị trí thứ 3 thị trường.

Về nguyên nhân dẫn đến việc loạt ngân hàng tăng mạnh suất huy động, Công ty chứng khoán VnDirect đánh giá, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng trở lại. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh nhiều hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

Ngoài ra, Công ty VnDirect cũng nhận định lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng từ 0,3-0,5% năm nay. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, nhưng mức này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch COVID-19. 

PV

Theo Sở hữu trí tuệ