Làm ăn bết bát, Đức Long Gia Lai bị BIDV đấu giá tài sản

Mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra để đấu giá tài sản của Đức Long Gia Lai thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá của khu đất.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai (BIDV, BID) vừa có thông báo về việc bán đấu giá tài sản của Đức Long Gia Lai.

Mức đấu giá thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá

Cụ thể, tài sản thực hiện bán đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tọa lại tại Số 97/2, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và quyền sử dụng đất ở số 797652695600191 cấp ngày 07/01/2008 cho Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Được biết, tài sản thực hiện bán đấu giá là 582,7 m2 đất, tài sản gắn liền trên đất là 117,6 m2 sàn gồm 1 tầng và sân. Giá khởi điểm của tổng khối tài sản này là 57 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào ngày 17/2/2020.

Theo báo cáo tài chính 2019 của Đức Long Gia Lai, quyền sử dụng đất này có nguyên giá là hơn 66,7 tỷ đồng hiện đang cho thuê. Tuy nhiên, trong năm 2019, khối tài sản này đã tăng thêm 12,5 tỷ đồng, nên tính đến cuối năm 2019, có giá trị hơn 79 tỷ đồng.

Như vậy, mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra để đấu giá khu đất này thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá của khu đất.

Cổ phiếu DLG 'lau sàn' từ giữa năm 2019

Có thể thấy, DLG đang có kết quả kinh doanh không ngừng tuột dốc: Từ hơn 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015 xuống còn hơn 14,3 tỷ đồng năm 2018, chỉ đạt 10% kế hoạch đặt ra.

DLG đang có những lỗ hổng quản trị tài chính đáng ngại: Tại báo cáo thường niên 2018, DLG thể hiện rủi ro nội bộ với khoản cho vay 1.400 tỷ đồng (có cho vay cá nhân) không tài sản đảm bảo; Các khoản phải thu ngắn hạn của Cty cũng xấp xỉ nghìn tỷ đồng, trong đó có khoản chưa thu được kéo dài từ 2014 đến nay…

Đáng chú ý, DLG vẫn chịu lãi với các khoản nợ vay dài hạn bao gồm trái phiếu hơn 3.310 tỷ đồng.

Cổ phiếu DLG lên sàn chứng khoán từ năm 2010 với giá 30.000đ/cp. Sau một thời gian giao dịch, DLG đã có bước trượt đáng kể. Nếu theo dõi DLG kỹ một chút, sẽ thấy giá cổ phiếu có một vòng luẩn quẩn khi sau thời điểm chào sàn với định giá cao, lập tức tuột xuống dưới giá chào sàn và đến nay giảm xuống mức 1.370 đồng/cp khi chốt phiên 6/5 vừa qua.

Bước sang đầu năm 2020, cổ phiếu DLG nhích lên mức 2.400 đồng/cp vào ngày 8/1/2020, đây là mức giá cao nhất trong tháng 1/2020 tính đến thời điểm hiện tại. Ghi nhận tại ngày hôm nay, ngày 30/1/2020, cổ phiếu này lại tuột xuống giao dịch tại mức 1.840 đồng/cp.

Làm ăn bết bát, Đức Long Gia Lai bị BIDV đấu giá tài sản - Ảnh 1
Cổ phiếu DLG lên sàn chứng khoán từ năm 2010 với giá 30.000đ/cp. Sau một thời gian giao dịch, DLG đã có bước trượt đáng kể.

Xuất thân từ “phố núi”, có mô hình khởi nghiệp, đi lên và ra với thị trường khá giống HAG, thời gian đầu DLG cũng có gỗ, bất động sản (BĐS), thủy điện, cao su…, từ đó xây chiến lược kinh doanh mở rộng và cơ cấu lại hoạt động.

Sự khác biệt của DLG với hai tập đoàn cùng “phố núi” (HAG và QCG) là sau giai đoạn loay hoay khi lên sàn niêm yết và gặp sóng gió của khủng hoảng địa ốc từ 2010-2012, DLG đã mở rộng sang linh kiện điện tử, BOT, điện mặt trời. Năm 2018, DLG đầu tư thêm vào Cty Chè Biển Hồ và Cà phê Biển Hồ cùng định hướng trồng cây xen kẽ bơ, thanh long và các loai cây ăn trái khác…. cộng với mảng nuôi bò thịt và bò sữa.

Mặc dù DLG cũng là một điển hình trong nhóm các đại gia tập đoàn có hàng chục Cty thành viên, liên kết với chiến lược kinh doanh nghe rất “khủng”, như HQC, OGC… nhưng cổ phiếu luôn sẵn sàng rớt về dưới mệnh giá, hoặc nếu nói đúng thị giá hiện tại, khó mua nổi bó hành- chưa nói tới mua được ly trà đá.

 

Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/lam-an-bet-bat-duc-long-gia-lai-bi-bidv-dau-gia-tai-san-d69395.html?