Lâm Đồng đốc thúc tiến độ khởi công 2 dự án cao tốc trọng điểm
Qua rà soát, tình hình thực hiện 2 dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng là cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, còn rất chậm, không đáp ứng yêu cầu đặt ra.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan, về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiểm tra công tác chuẩn bị đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đây được xác định là dự án trọng điểm của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để khởi công dự án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong năm 2023.
“Tuy nhiên qua rà soát, đến nay tình hình thực hiện của dự án rất chậm, không đáp ứng yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh”, văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp ký ban hành, nhấn mạnh.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các sở, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục toàn bộ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, được phân công. Chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh trong công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và TP Bảo Lộc phối hợp với Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ hướng tuyến của dự án, tiến hành cắm mốc ranh giới giải phóng mặt bằng để phục vụ triển khai các bước tiếp theo.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh cần chủ động liên hệ, phối hợp với các sở, ngành liên quan và đôn đốc nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn thành hồ sơ báo cáo đầu kỳ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (trước ngày 15/5) và báo cáo cuối kỳ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc (trước ngày 20/5), để triển khai các bước tiếp theo của dự án theo quy định.
Tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương về việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong quý 2/2023 và khởi công dự án vào ngày 2/9.
Tổng thể toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP. Dự án có chiều dài khoảng 66 km, trong đó, có 11 km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và 55 km còn lại thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là hơn 1.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nguồn huy động.
Dự án thuộc nhóm A, do UBND tỉnh Lâm Đồng làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư dự án gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh), Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam miền Trung.
Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tiếp nối cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (điểm cuối dự án Tân Phú - Bảo Lộc); điểm cuối tại Km200+000 giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km208+650, huyện Đức Trọng.
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hơn 19.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia 7.760 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.760 tỷ đồng (phần vốn chủ sở hữu tối thiểu của các nhà đầu tư khoảng hơn 1.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 10.000 tỷ đồng).
Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh các nhà đầu tư, gồm: Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang - Futa Group (đại diện liên danh), Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành.
Hai tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ tạo được động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, thông qua kết nối thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp trong khu vực.