Bùng nổ dự án tỷ USD, dòng vốn lớn đổ vào bất động sản Nam Trung Bộ
Hàng loạt dự án khu đô thị và tổ hợp nghỉ dưỡng với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đã được chấp thuận đầu tư, khởi động tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Những siêu dự án này không chỉ góp phần cụ thể hóa các định hướng quy hoạch vùng mà còn mở ra làn sóng đầu tư mới, với kỳ vọng tạo cú hích cho thị trường bất động sản đang từng bước phục hồi
Loạt dự án đô thị “khủng” gọi vốn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu đô thị ở Quảng Ngãi và 2 dự án khu đô thị ở Khánh Hòa.
Tại Quảng Ngãi, 2 dự án trên gồm Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất – phía Bắc và Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất – phía Nam thuộc Khu kinh tế Dung Quất.
Trong đó, dự án phía Bắc có diện tích 1.320ha, tổng vốn đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng. Dự án phía Nam rộng 1.377ha, với tổng vốn đầu tư tương đương. Cả hai dự án đều tích hợp nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, sân golf, công viên chuyên đề, công trình lưu trú và dịch vụ du lịch.
Dự kiến, 2 dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2037 và việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Tại Khánh Hòa, 2 dự án chiến lược khác là Khu đô thị mới Tu Bông có diện thích 2.579ha, vốn đầu tư hơn 40.189 tỷ đồng và Khu đô thị mới Đầm Môn có diện tích 1.440ha, vốn đầu tư hơn 25.119 tỷ đồng.
Các dự án này không chỉ quy hoạch không gian ở cho hàng trăm nghìn dân mà còn tích hợp không gian du lịch – nghỉ dưỡng ven biển, cơ sở lưu trú, thương mại dịch vụ và quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Cả hai dự án được lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022, về thí điểm một số chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, tại Kon Tum (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập), chính quyền địa phương cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án khu đô thị tại Măng Đen.
Các dự án gồm khu đô thị số 1, số 4 và số 5, với tổng mức đầu tư lần lượt 6.647 tỷ đồng, 10.228 tỷ đồng và 9.591 tỷ đồng.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần cụ thể hóa các quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời nâng tầm Khu du lịch Măng Đen trở thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao của Kon Tum. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu
Các “ông lớn” đổ bộ miền Trung
Tại Nam Trung Bộ, các tập đoàn cũng đang đẩy mạnh triển khai các dự án chiến lược từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Tại Khánh Hòa, giữa tháng 6 vừa qua, Tập đoàn CEO đã khởi công Tổ hợp nghỉ dưỡng Novotel Cam Ranh Resort trên diện tích 8ha, với 387 phòng khách sạn, biệt thự và bungalow cao cấp, tích hợp đầy đủ tiện ích hiện đại.

Trước đó, tháng 6/2025, tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Cam Lâm.
Khu đô thị mới Cam Lâm có diện tích sử dụng đất hơn 10.356ha, vốn đầu tư khoảng 260.267 tỷ đồng.
Nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty Đô thị mới Cam Lâm, gồm Công ty cổ phần Vinhomes, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Trường Lộc, Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đô thị Xanh, Công ty cổ phần Phú Thọ Land.
Tại Đà Nẵng, Tập đoàn Vingroup thông qua Công ty cổ phần Vinpearl cũng chính thức động thổ Khu phức hợp du lịch – đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân, quy mô 512ha, vốn đầu tư gần 44.000 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch theo mô hình “thành phố nghỉ dưỡng” đa chức năng, với mật độ thấp, tích hợp lưu trú, giải trí, thương mại, giáo dục và y tế, hướng đến hình thành một trung tâm du lịch – kinh tế mới ở khu vực Tây Bắc thành phố.
Trước đó, Tập đoàn Masterise Homes cũng gia nhập thị trường bằng dự án Masteri Rivera Đà Nẵng, tổng vốn 2.300 tỷ đồng, tọa lạc tại trung tâm thành phố với dòng sản phẩm căn hộ cao cấp lần đầu tiên xuất hiện tại khu vực này.
Không đứng ngoài cuộc, Sun Group cũng đang triển khai loạt dự án nhằm định hình lại diện mạo đô thị ven sông Hàn, như Sun Cosmo Residence, Sun Ponte Residence, Sun Symphony Residence…
Sự xuất hiện liên tiếp của các dự án có tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho thấy Nam Trung Bộ đang trở thành “điểm đến vàng” của dòng vốn bất động sản giai đoạn mới. Với ưu thế về quỹ đất lớn, mặt bằng giá còn hợp lý, kết nối hạ tầng ngày càng hoàn thiện và đặc biệt là chính sách mở cửa đầu tư quyết liệt từ trung ương đến địa phương, khu vực này đang tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà phát triển dự án chiến lược.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước đang cần những cú hích niềm tin, sự chuyển động đồng loạt của các dự án tại Nam Trung Bộ không chỉ là tín hiệu phục hồi, mà còn mở ra chu kỳ phát triển mới – dài hạn, bền vững và thực chất hơn.