Lê Xuân Nghĩa: “Cần có quy định riêng cho trái phiếu xanh”

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, trái phiếu xanh mới là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả. Các doanh nghiệp khó thể kỳ vọng nhiều vào tín dụng xanh của ngân hàng để khuyến khích phát triển bền vững, vì nó lệ thuộc vào rất nhiều thứ. Chính vì vậy, cần phải có quy định riêng cho loại hình trái phiếu này.

Trái phiếu phát triển bền vững mới chỉ chiếm 2,2%

'Phát biểu tại Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, Hiện hai nguồn vốn chủ yếu cho doanh nghiệp phát triển theo mô hình này mới chỉ có "tín dụng xanh" và "trái phiếu xanh". Với tín dụng xanh, tính đến tháng 8/2022, có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng xanh; 9 TCTD có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh; gần 20 TCTD xây dựng được sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

Còn với trái phiếu xanh mới chỉ chiểm 2.2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam, cụ thể năm 2021 chỉ đạt 1.5 tỷ USD.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Vị chuyên gia này cho hay, công cụ nợ xanh ở Việt Nam được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tài chính và phi tài chính (đặc biệt là ngành vận tải và năng lượng). Một số đợt phát hành nổi bật là 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh trong nước của EVNFinance.

Mặc dù, giá trị nợ bền vững và trái phiếu xanh năm 2021 của Việt Nam đã đạt giá trị gấp 5 lần năm 2020, trong đó riêng quy mô trái phiếu xanh Việt Nam đạt 1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng giá trị trái phiếu bền vững, đứng thứ hai ASEAN sau Singapore. Tuy nhiên, so với quốc gia này, quy mô thị trường của Việt Nam vẫn thấp hơn tới 8 lần.

Cấn Văn Lực cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về ESG; chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát hành trái phiếu xanh.

Cần có quy định riêng cho trái phiếu xanh

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, so với tín dụng, nhiều quốc gia trên thế giới ưu tiên hơn cho trái phiếu xanh chứ không phải tín dụng vì tiền gửi của người dân khó "xanh".

Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng
Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng

Ông lấy dẫn chứng về Thái Lan, quy mô thị trường trái phiếu xanh của quốc gia này gấp 14 lần tín dụng xanh, còn ở Việt Nam hiện nay, trái phiếu xanh chỉ chiếm 4% tổng tín dụng, nếu nói tín dụng xanh tính trên vốn trung dài hạn của ngân hàng thì chiếm khoảng 5 triệu tỷ, tín dụng xanh dành cho điện gió, điện mặt trời lên đến 500.000 tỷ đồng, khoảng 10% vốn trung và dài hạn.

Lê Xuân Nghĩa nói: "Chúng ta không thể kỳ vọng nhiều vào tín dụng xanh của ngân hàng, vì nó lệ thuộc vào rất nhiều thứ, riêng trong quá trình thẩm định dự án cho vay, việc thẩm định môi trường không khả thi và không thực tế".

Với trái phiếu xanh, cần làm thế nào để trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất thấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đi theo mô hình phát triển bền vững, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông cho hay, ở Thái Lan, họ thành lập quỹ phát triển xanh để bảo lãnh cho doanh nghiệp thực sự có dự án xanh, số trái phiếu này được phát hành dài hạn với lãi suất thấp, có bảo lãnh của quỹ, từ đó nhà đầu tư tin để mua các trái phiếu dài hạn, có thể mang đi cầm cố hoặc chiết khấu tại ngân hàng.

Trong tương lai gần, trái phiếu sẽ trở thành nguồn vốn trung và dài hạn chủ yếu, nếu đưa được trái phiếu xanh vào Nghị định 153 sửa đổi hay được bảo lãnh bởi quỹ thì loại hình này sẽ thành công, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống