Liên tiếp bắt chủ doanh nghiệp lập dự án ma: Vì sao?
Cơ quan chức năng đã cảnh báo về dự án ma các doanh nghiệp lập ra để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người dân vẫn bị lừa.
Ngày 4/12/2020, Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Trương Tuấn Em, cựu Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Eagle Land để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết, bị can Trương Tuấn Em có liên quan mật thiết tới vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Diệu Thúy (37 tuổi, Giám đốc Công ty Tiên Phong Land).
Thủ đoạn của hai đối tượng này là lập ra công ty môi giới bất động sản, sau đó hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau như mua đất nông nghiệp, ký giấy đặt cọc mua đất, hợp đồng hợp tác… rồi vẽ ra các “dự án ma” nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền.
Trương Tuấn Em ký vào biên bản khi CQĐT thực hiện việc bắt tạm giam. |
Trước đó một ngày, cơ quan chức năng TP. HCM cũng khởi tố, bắt tạm giam Trịnh Quốc Hưng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư KingLand với thủ đoạn tương tự như trên.
Vào năm 2019, vụ việc chấn động: 3 anh em nhà Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alibaba bị bắt vì lập ra hàng loạt dự án ma tại khu vực miền Nam để lừa đảo số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án ma ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... cũng được cơ quan chức năng chỉ ra khiến nhiều người dân lo ngại.
Trao đổi với Đất Việt trước thực trạng nhiều người dân dù đã được cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn về dự án ma mà các một số doanh nghiệp lập ra nhưng vẫn có hàng nghìn nạn nhân "sập bẫy", ông Nguyễn Quốc Cường - một nhà đầu tư bất động sản lý giải: "Lý do chung là do nhu cầu về đất nền tại khu vực miền Nam rất lớn, bên cạnh đó nhiều người hám lợi, tin vào những lời quảng cáo, môi giới về đất nền giá rẻ nhưng khả năng sinh lời nhanh nên không đủ tỉnh táo để nhận biết".
Theo ông Cường, đầu tư vào đất nền thường giàu lên nhanh chóng, có những thời điểm chỉ cần sau mấy ngày đầu tư mua bán sang tay, nhà đầu tư đã lãi cả trăm triệu đồng.
"Tuy nhiên, cái gì lời cao, sinh lời nhanh thì lại càng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Những dự án ma thường đánh vào tâm lý lòng tham của khách hàng, cứ quảng cáo về khu đất đang được đầu tư hạ tầng, sinh lời theo từng ngày, không mua sớm thì giá mỗi ngày mỗi khác nên nhiều người mới đầu tư mà không tìm hiểu kỹ" - ông Cường chia sẻ.
Còn theo luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, dự án ma bùng nổ khiến nhiều người dân bị lừa đến từ sự lựa chọn của chính họ. Có thể họ đã biết nhưng họ lại cho rằng, rủi ro đó mình không phải gánh chịu. Họ nghĩ mình chỉ lướt sóng và sẽ bán được lại cho người khác, thoát hàng dễ dàng. Vì có hàng trong tay nên họ lại dụ dỗ người khác mua như một hình thức đa cấp, không quan tâm đến sản phẩm mà chỉ quan tâm đến việc bán cho ai.
Như vậy, chính người mua lại là người đứng ra bảo vệ cho đơn vị bán hàng sai phạm đó. Vì nếu không bảo vệ, họ cũng bị ảnh hưởng, có nguy cơ mất trắng, thiệt hại về tiền. Vì sợ mất tiền nên họ buộc phải nói tốt và trở thành đồng phạm.
Ngày càng nhiều người dân căng băng rôn, tố cáo chủ đầu tư dự án ma. |
Bên cạnh đó, ông Phượng cho rằng, để xảy ra tình trạng nhan nhản dự án ma là do việc quản lý lỏng lẻo. Cụ thể, đất nông nghiệp nhưng làm hạ tầng đường, vỉa hè, phân lô nhưng không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không xử phạt, không áp dụng biện pháp trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định Luật đất đai.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Phường bày tỏ: "Cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết tận gốc vấn đề này. Nếu trên thực tế việc sử dụng đất có vi phạm, không đúng theo quy hoạch ban đầu là làm đường thì buộc phải xử lý, đưa về hiện trạng ban đầu.
Nếu trường hợp tiếp tục vi phạm thì phải thu hồi đất. Như vậy mới giải quyết được hậu quả và người dân nhìn thấy hậu quả đó mới biết sợ mà không dám mua.
Còn lời khuyên của tôi đối với trường hợp khách hàng muốn nhận biết dự án ma, nếu giao dịch đất nền thì theo quy định của Luật Đất đai là phải có sổ.
Nếu lô đất có sổ, khách hàng mới nên tiến hành giao dịch. Muốn tránh được rủi ro thì buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Với những ai dù biết vẫn muốn giao dịch, đương nhiên có thể có lợi ích trước mắt, nhưng nhiều rủi ro phía trước là điều khó tránh khỏi. Với người chưa nắm rõ quy tắc, luật lệ thì nên chọn sản phẩm ít rủi ro".