LienvietPostBank sẽ chuyển sàn ngay trong năm 2020: Chuyển sàn có đổi vận?

Lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - MCK: LPB) giảm sút, nợ xấu tăng vọt và thị giá cổ phiếu LBP gần bét bảng nhưng thanh khoản giao dịch tăng vọt. Việc chuyển sàn có giúp hoạt động kinh doanh thêm sáng sủa?

Làn sóng chuyển sàn của các ngân hàng lại được giới đầu tư dự liệu từ trước xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả các ngân hàng đang đăng ký giao dịch Upcom phải triển khai niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

LienVietPostBank đã nộp hồ sơ lên HOSE và dự kiến sẽ là ngân hàng được chấp thuận niêm yết đầu tiên trong năm 2020. Tiếp theo sẽ là các ngân hàng, như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Tuy nhiên, so với các ngân hàng niêm yết thì lợi nhuận của LienvietPostBank sụt giảm, nợ xấu tăng vọt, cổ phiếu LPB của LienvietPostBank luôn có thị giá bét bảng.

Nguồn:Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 đã được soát xét
Nguồn:Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 đã được soát xét

Cụ thể, quý 2/2020, lợi nhuận sau thuế của LienvietPostBank chỉ đạt 321 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 806 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận của LienvietPostBank sụt giảm từ việc lãi tăng nhưng chi phí cho lãi quá lớn. Thứ hai, LienvietPostBank phải chi quá nhiều cho dự phòng rủi ro tín dụng. Trong khi đó, chất lượng nợ LPB lại đi lùi.

Cụ thể, trong quý 2/2020, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 4.250 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2019, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8.550 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2019.

Thế nhưng, quý 2/2020, thu nhập lãi thuần tại LienvietPostBank chỉ đạt gần 1.464 tỷ đồng,giảm 2% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2.902 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ 2019.

LienvietPostBank dành thêm nhiều chi phí để tăng trưởng tín dụng nhưng chất lượng tín dụng không mấy sáng sủa.

Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2020, cho vay khách hàng tại LienvietPostBank đạt 152.323 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng, tương đương tăng 8% so với thời điểm đầu năm. Thế nhưng, tổng nợ xấu tại LienvietPostBank lại tăng 23% so với hồi đầu năm, từ 2.030 tỷ đồng lên tới 2.506 tỷ đồng, chiếm 1,64% tổng dư nợ tín dụng, trong khi đó, thời điểm đầu năm chỉ chiếm 1,44%.

Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 – nhóm nợ nguy hiểm nhất) tại LienvietPostBank lên tới 1.738 tỷ đồng, tăng 312 tỷ đồng, tương đương tăng 22% so với hồi đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này cũng tăng từ 1,44% lên 1,65%

Nợ xấu tăng mạnh khiến LienvietPostBank phải chi 216 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng. Con số này tăng mạnh so với 189 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2019.

Nguồn:Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 đã được soát xét.
Nguồn:Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 đã được soát xét.

Lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng cao là một trong những lý do khiến cổ phiếu LPB không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. LPB vẫn nằm trong nhóm các cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra ngày 25/6, cổ đông đã bức xúc vì sao EPS (giá trị lợi nhuận của 1 cổ phiếu tạo ra) và thị giá cổ phiếu LPB hiện rất thấp so với các cổ phiếu cùng ngành trên sàn chứng khoán.

Theo đó, một vị cổ đông dẫn chứng, đã lọc ra 4 ngân hàng tương đương vốn điều lệ Liên Việt, trong đó VIB với 924 triệu cổ phiếu thì EPS đạt tới 5.330 đồng, HDBank là 981 triệu cổ phiếu thì EPS là 3.760 đồng, TPBank với 857 triệu cổ phiếu thì EPS là 3.850 đồng. Nhưng riêng LienVietPostBank với gần 977 triệu cổ phiếu thì EPS cứ lình xình chỉ 1.580 đồng, thấp nhất trong nhóm này dù đã thành lập 12 năm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/10, LPB dừng ở mức 11.900 đồng/cổ phiếu, đây là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay và thậm chí từ giữa năm 2018 đến nay.

Trên sàn chứng khoán, thị giá LPB chỉ cao hơn NVB (9.300 đồng/cổ phiếu) của Ngân hàng TMCP Quốc Dân và cao hơn KLP (11.100 đồng/cổ phiếu) của Ngân hàng TMCP Kiên Long. Trong Top 3 ngân hàng có thị giá bét bảng, LPB đứng trên NVB và KLB.

Đáng lưu ý, dù thị giá nhỏ niêm yết trên sàn UPCoM nhưng thanh khoản giao dịch của LPB đáng để nhiều cổ phiếu ngân hàng Top 2 phải thèm muốn.

Cụ thể, khép phiên giao dịch ngày 2/10, cổ phiếu LPB đã cán mốc 11.900 đồng/cổ phiếu. Kéo theo đó là thanh khoản tăng vọt lên gần 15 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Như vậy, khoảng 1 tháng trở lại đây (từ 2/9/2020 – 2/10/2020) trung bình từ mỗi phiên giao dịch, cổ phiếu LBP đạt thanh khoản từ 3-19 triệu cổ phiếu/phiên.

Điều này hiếm gặp ở các cổ phiếu dòng ngân hàng niêm yết trên sàn UPCoM.

LienvietPostBank sẽ chuyển sàn ngay trong năm 2020: Chuyển sàn có đổi vận? - Ảnh 1
Diễn biến thị giá LPB từ đầu năm đến nay.
Diễn biến thị giá LPB từ đầu năm đến nay.

Theo Hoàng Long (Tổng hợp)/Sở hữu trí tuệ

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/lienvietpostbank-se-chuyen-san-ngay-trong-nam-2020-chuyen-san-co-doi-van-d83320.html