Loạt đại gia 'buông' địa ốc, vàng bạc đi 'buôn tiền'
Ông Dương Công Minh từ bỏ điều hành tập đoàn địa ốc lớn để tham gia vào sân chơi Sacombank, trong khi ông trùm vàng bạc Đỗ Minh Phú bỏ Doji chọn TPBank.
Bỏ Doji ông Đỗ Minh Phú chọn TPBank
Ông Đỗ Minh Phú được biết đến chủ yếu với vài trò là Chủ tịch của Doji Group - một doanh nghiệp lớn chuyên về kinh doanh vàng bạc đá quý. Năm 1994, ông bỏ chức Giám đốc công ty liên doanh lương 300 đôla Mỹ, để thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý.
Năm 2007, ông xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, DOJI Plaza tại Hà Nội. Trong hai năm 2007 và 2008, đổi tên DOJI, tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên, thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái.
Được biết, Ông Đỗ Minh Phú còn là chủ tịch của Diana Việt Nam - doanh nghiệp lớn chuyên về sản xuất băng vệ sinh, tã trẻ em.
Năm 2011, Diana Việt Nam đã bán lại phần lớn cổ phần cho Unicharm của Nhật Bản. Sau đó, ông Phú đã tham gia vào lĩnh vực ngân hàng với việc mua lại 20% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank - TPB). Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2012, ông Phú đã được bầu làm Chủ tịch ngân hàng TPBank; em trai ông Phú là ông Đỗ Anh Tú - TGĐ Diana Việt Nam - cũng được bầu làm Phó Chủ tịch.
Tại nghị quyết đại hội cổ đông năm 2018 TPBank, ông Phú tiếp tục được bầu vào HĐQT và giữ chức chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ mới.
Quyết định lựa chọn rời ghế chủ tịch Doji và tiếp tục làm chủ tịch HĐQT TPBank của ông Đỗ Minh Phú được coi là sự lựa chọn khôn ngoan. Vì thực tế, Doji là gia đình nên ông Phú từ nhiệm chẳng ảnh hưởng gì, trong khi đó, TPBank được coi là cánh cổng tài chính cho những công ty trực thuộc Doji.
TPBank từng là 1 trong 9 ngân hàng TMCP phải tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015. Vượt qua rất nhiều thử thách cuối cùng đã tái cơ cấu thành công, giờ đây, TPBank đã trở thành một ngân hàng có lợi nhuận trước thuế đạt nghìn tỷ mỗi năm.
Đáng chú ý, nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 vừa công bố mới đây, dù TPBank ghi nhận 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế đạt 2.420 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ nhưng các khoản liên quan đến chi phí, nợ xấu, khả năng lưu chuyển tiền… không được ổn định.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2020, TPB ghi nhận chi phí lãi và các chi phí tương tự âm gần 5.343 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ so với cùng kỳ năm trước; chi phí hoạt động dịch vụ ghi nhận âm 424 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng âm gần 1.182 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng; chi phí hoạt động âm gần 2.889 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ so với cùng kỳ; chi phí thuế thu nhập tạm tính âm hơn 604 tỷ đồng.
Chưa kể, nhìn vào BCTC của TPBank có thể thấy các khoản nợ của nhà băng này vẫn khá nhức nhối.
Về tình hình chất lượng nợ cho vay, tính đến ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của TPBank tăng đến 60% so với đầu năm, lên mức gần 1.971 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76% lên mức 846 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 82% lên mức 555 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên mức 569 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPBank tăng từ mức 1,29% đầu năm lên 1,79%.
Về dư nợ theo thời gian, nợ ngắn hạn lên đến gần 32.918 tỷ đồng; nợ trung hạn hơn 27.344 tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 50.077 tỷ đồng.
Chất lượng sử dụng nguồn tiền của TPBank cũng kém sáng khi ghi nhận nhiều con số âm.
Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 3.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 8.711 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 287 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ 2019 âm gần 248 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm hơn 2.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 đạt 7.828 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng này đang dính loạt bê bối, thậm chí ngay cả chủ tịch và tổng giám đốc bị bêu tên giữa tòa.
Cụ thể, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú và Tổng giám đốc Nguyễn Hưng bị bêu tên trong đại án liên quan đến Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng VN (VNCB) và đồng phạm đã thông qua việc vay vốn tại TPBank có tài sản đảm bảo là chính tiền gửi liên ngân hàng của VNCB tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng.
Tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đủ cơ sở xác định ông Phạm Công Danh là chủ mưu và 20 bị can là đồng phạm giúp sức cho ông Danh về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với những người liên quan, Cơ quan điều tra đánh giá Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng TPBank gồm ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank),... là các thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy ban tín dụng khi phê duyệt hồ sơ vay thực hiện chưa đầy đủ quy định.
Việc TPBank liên tiếp dính đến những vụ án chấn động, trong đó hệ thống quản trị rủi ro yếu kém, vi phạm cho vay… đã khiến ngân hàng bị thiệt hại nặng nề. Đáng nói, nhiều cán bộ đã lợi dụng kẽ hở hệ thống để chiếm đoạt tiền gửi, vốn giá trị lớn. Kết luận bổ sung của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của TP.Bank cho hay, TPBank quyết định cho vay hơn 1.700 tỷ đồng nhưng không thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá năng lực tài chính xác định tính khả thi, hiệu quả các phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của 11 công ty.
Tương tự, TPBank nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh và cho vay cũng như bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay.
Ông chủ tập đoàn Him Lam tham gia vào sân chơi Sacombank
Ông Dương Công Minh có biệt danh “Minh Xoài” vì từng đi buôn xoài. Tuy nhiên, đúng lúc quyết làm ăn lớn thì ông bị phá sản vì dính lô hàng xoài non, mất hết cả vốn lẫn lãi. Vì thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà lấy tiền trả nợ. Cũng từ đó, ông quyết định bỏ buôn xoài, nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp lần 2, lập trung tâm dịch vụ nhà đất vào khoảng những năm 1991.
Sau đó, ông Minh tiếp tục thành lập Him Lam vào hồi năm 1994, là doanh nghiệp tư nhân ngoài quốc doanh đầu tiên ở TP. HCM kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ông Minh sở hữu tới 99% vốn của Him Lam.
Sau này, Tập đoàn Him Lam trở thành một ông lớn nắm trong tay quỹ đất "khủng" cả gần nghìn ha trải dài từ Nam ra Bắc. Không chỉ đầu tư nhà để ở, Him Lam còn có hơn 20 công ty con, công ty liên kết đủ lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính ngân hàng, viễn thông, xây dựng đến sản xuất, thương mại dịch vụ, nhân lực, khai khoáng, sân gofl,...
Vào năm 2008, ông Dương Công Minh chính thức tham gia thị trường tài chính khi thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) với vốn điều lệ ban đầu là 3.300 tỷ đồng. Tại LienVietPostBank, Him Lam là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.
Đến đầu tháng 6/2017 ông Dương Công Minh đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Sacombank. Do đó, đến cuối tháng 6/2017 ông Dương Công Minh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Ngày 15/8/2017, khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội có hiệu lực, yêu cầu một người không được vừa làm chủ ngân hàng lại vừa làm chủ doanh nghiệp đã đặt ông Dương Công Minh trước lựa chọn hoặc là ngân hàng hoặc là doanh nghiệp. Vì thế, ông Minh đã quyết định “bỏ” Him Lam, “ôm” ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường bấy lâu nay vẫn đồn đoán về một mối liên hệ kín đáo còn tồn tại giữa ông Minh và tập đoàn này, mặc dù chưa ai có thể đưa ra một bằng chứng xác đáng.
Có chăng cũng chỉ là những “gạch nối” còn sót lại. Ví như người em gái của ông Minh đang là Thành viên HĐQT của CTCP Him Lam, còn người anh họ Trần Văn Tĩnh (SN 1954) giữ ghế Chủ tịch HĐQT của CTCP Him Lam và Him Lam Land. Hay hình bóng của Him Lam ở một dự án hàng nghìn tỷ đồng mà Sacombank đã rao bán trong một ví dụ xử lý nợ xấu dưới thời ông Dương Công Minh.
Ngoài Him Lam, ông Dương Công Minh chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 3 công ty: Công ty Cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Sacombank, ông Dương công Minh đã cam kết với cổ đông rằng “5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi” cùng với đó là lời hứa sẽ cố gắng trả cổ tức sau 5 năm tái cơ cấu ngân hàng.
Dưới tay “ông Minh Him Lam”, 2 năm trở lại đây, nợ xấu của Sacombank được đánh giá đã có sự chuyển biến.
Cụ thể, năm 2016 nợ xấu nội bảng tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, nợ xấu ở VAMC tăng thêm hơn 23.000 tỷ đồng. Ngay sau khi tiếp nhận "ghế nóng", ông Minh đã đặt mục tiêu xử lí nợ xấu lên hàng đầu với mục tiêu ngắn hạn là xử lí khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017. Kết quả, năm 2017 Sacombank đã xử lí được 19.000 tỷ đồng nợ xấu.
Năm 2018 Sacombank đặt mục tiêu xử lý nợ xấu 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng đã xử lý được 13.000 tỷ đồng. Năm 2019, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với mục tiêu xử lý khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng đã thu hồi và xử lý 18.400 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng.
Năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, tiến trình xử lý nợ xấu của Sacombank có vẻ đang chậm đáng kể do Covid-19.
Năm 2017, tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank ở mức 4,67%, đến năm 2018 giảm xuống còn 2,2% và đạt 1,94% vào năm 2019.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ xấu tại Sacombank vẫn ở mức cao với 6.837 tỷ đồng, tăng 19% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 114% lên mức gần 638 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 72% lên mức 709 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 9% lên mức 5.490 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng lên mức 2,14% so với mức 1,94% hồi đầu năm.
Đáng chú ý, trong khi hoạt động kinh doanh và xử lý tài sản đảm bảo và nợ xấu của Sacombank có cải thiện thì mức lãi dự thu của Sacombank lại nằm ở top đầu các ngân hàng.
Lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm từ hoạt động cho vay), trong khi thực tế ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này nhưng vẫn ghi nhận vào báo cáo thu nhập, từ đó tạo ra lợi nhuận ảo. Lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Năm 2019, lãi dự thu tại Sacombank đạt 19.539 tỷ đồng, tuy có giảm so với các năm trước nhưng vẫn xếp thứ 2 hệ thống ngân hàng, chỉ sau SCB với 52.914 tỷ đồng.