Lợi nhuận Hancorp (HAN) thụt lùi, nợ phải trả cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu
(CL&CS) - Tổng Công ty xây dựng Hà Nội – Hancorp (HAN) công bố BCTC Quý II năm 2022, ghi nhận nhiều chỉ tiêu tài chính sụt giảm, lợi nhuận ròng giảm 10% so với cùng kỳ, nợ phải trả chiếm tới 3/4 cơ cấu tài sản.
Theo BCTC Quý II của Tổng Công ty xây dựng Hà Nội – Hancorp (HAN), doanh thu thuần ghi nhận đạt 809 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 420 tỷ đồng, doanh thu đến từ các hợp đồng xây lắp chiếm 323 tỷ đồng, phần còn lại đến từ hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ.
Biên lợi nhuận gộp đạt 83 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Cổ đông công ty mẹ ghi nhận đạt 27,7 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Hancorp ghi nhận thu nhập khác sụt giảm do hụt thu từ khoản thanh lý tài sản cố định (cùng kỳ thu về hơn 6 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định). Mặc dù vậy, các khoản chi phí khác lại tăng hơn 3 lần khiến công ty ghi nhận lỗ khác ở mức 8.6 tỷ đồng.
Cho nên, dù đã tiết giảm đáng kể chi phí, sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, công ty vẫn sụt giảm 10% lợi nhuận, còn gần 28 tỷ đồng.
Luỹ kế bán niên, Hancorp ghi nhận tổng doanh thu ở mức 1.172 tỷ đồng, tăng 1% và lợi nhuận sau thuế đạt 29,6 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Hancorp đặt mục tiêu doanh thu 1.660 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 92,5 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã thực hiện 71% chỉ tiêu về doanh thu và 50% về lợi nhuận sau nửa năm hoạt động.
Đến ngày 30/6, Hancorp đang có tổng tài sản đạt 7.321 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Đa phần tài sản nằm ở khoản phải thu ngắn hạn 3.996 tỷ đồng và hàng tồn kho 1.702 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của công ty cho thấy, quy mô nợ của doanh nghiệp vốn đã cao tại thời điểm đầu năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục tăng cao thêm vào cuối quý II/2022.
Cụ thể, nợ phải trả của Hancorp thời điểm cuối quý II ghi nhận giá trị 5.665 tỷ đồng, tăng thêm 5% so với thời điểm đầu năm. Với quy mô nợ như trên, nợ phải trả của doanh nghiệp đã lớn gấp hơn 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy mức độ rủi ro tài chính cao trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này.
Trong cơ cấu nợ, nợ ngắn hạn chiếm tỉ trọng chủ yếu với giá trị 4.626,8 tỷ đồng, chiếm gần 82% tổng giá trị nợ phải trả.
Trong đó, giá trị các khoản chi phí phải trả ngắn hạn là 1.435 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 799 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác 550 tỷ đồng, nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước là hơn 148 tỷ đồng.
Nợ dài hạn của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 1.038 tỷ đồng, cơ cấu nợ chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn.
Cơ cấu nợ chiếm tới hơn 3/4 tổng tài sản cùng với lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy tình hình kinh doanh không mấy cải thiện của Hancorp. Ghi nhận trong ngày 15/08, giá cổ phiếu HAN đạt 10.700 đồng/cp, giảm tới 30% so với thời điểm đầu năm 2022.
Từ cuối năm 2014 đến nay, Hancorp duy trì mức vốn điều lệ 1.410 tỷ đồng (cổ đông Nhà nước chiếm 98,83%). Trong đó, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, vốn nằm ở các Công ty con, Công ty liên kết khoảng 1.254 tỷ đồng, chiếm 89% vốn điều lệ, nên vốn lưu động của Công ty mẹ không có và thiếu vốn dài hạn để phục vụ sản xuất.