Lợi nhuận Quý 4/2020 ngân hàng TPBank bất ngờ giảm, chi phí dự phòng rủi ro 'phình to' đáng lo ngại
Trong khi lợi nhuận cả năm 2020 tại TPBank tăng, nhưng chi phí dự phòng rủi ro vẫn đang 'phình to' rất nhanh. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/12/2020 có sự chênh lệch giữa báo cáo tài chính và công bố kết quả kinh doanh trước đó của ngân hàng.
Theo BCTC quý 4/2020 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, MCK: TPB) tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro nên lãi trước và sau thuế quý 4/2020 giảm.
Cụ thể, trong quý 4/2020, thu nhập lãi thuần tại TPBank tăng 39%, đạt 2.088 tỷ đồng và lãi thuần từ dịch vụ tăng 10%, ghi nhận gần 458 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng 51%, đạt 131 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối gấp 14 lần, đạt 266 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động khác giảm 50%, chỉ còn gần 332 tỷ đồng.
Trong quý 4/2020, chi phí hoạt động tại TPBank tăng 48%, lên mức 1.308 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đến 77% so với cùng kỳ, ghi nhận 601,6 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế tại TPBank giảm 7%, chỉ còn lần lượt gần 1.365 tỷ đồng và 1.091 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại TPBank tăng 37% so với năm 2019, lên mức hơn 1.783 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng tăng 19%, lên mức 6.172 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế cả năm tăng 13%, ghi nhận gần 4.389 tỷ đồng và hơn 3.510 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2020, TPB ghi nhận chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng 16% so với năm trước, lên mức 7.209 tỷ đồng. Trong đó, chi phí trả lãi tiền gửi tăng 13%, lên mức 5.166 tỷ đồng; trả lãi phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh 86%, lên mức gần 1.182 tỷ đồng.
Có thể thấy, năm 2020 các khoản chi phí của TPBank “phình” to đáng kể. Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 4.068 tỷ đồng năm 2020, TPBank đã vượt được 8% chỉ tiêu đề ra.
Đáng lưu ý, chất lượng sử dụng nguồn tiền của TPBank cũng ‘kém sáng’ khi ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, năm 2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TPBank âm đến 12.485 tỷ đồng, trong khi năm 2019 dương gần 8.756 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do những thay đổi về tài sản hoạt động như tăng các khoản tiền vàng gửi tại TCTD khác, tăng các khoản về kinh doanh chứng khoán, tăng các khoản cho vay khách hàng…
Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm đến 410,6 tỷ đồng, trong khi năm trước âm hơn 394 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại TPBank cũng ghi nhận âm gần 8.444 tỷ đồng, trong khi năm 2019 dương 7.993 tỷ đồng.
Đáng nói, khoản tiền và tương đương tiền tại TPBank năm 2020 giảm 29% so với năm 2019, xuống còn 20.755 tỷ đồng. Lãi và phí phải thu tại TPBank tăng (nguồn lãi ảo) tăng 28%, lên mức 1.677 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2020, tổng nợ xấu tại TPBank tăng 15% so với năm 2019, ghi nhận hơn 1.420 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là do nợ dưới tiêu chuẩn tăng 37%, lên mức 661 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng nhẹ 8%, ở mức gần 331 tỷ đồng.
Do cho vay khách hàng tăng trưởng 25%, lên mức 119.991 tỷ đồng đã kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại TPBank từ 1,29% xuống còn 1,18%. Tuy nhiên, vào đầu tháng 1/2021, TPBank là nhà băng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2020 ở mức 1,14%.
Trước đó, ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) cũng lỗ trong quý 4/2020 đến từ việc hầu hết hoạt động kinh doanh đều đi lùi. Dù chi phí hoạt động giảm 27% so với cùng kỳ và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 7% nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SGB giảm đến 26%, chỉ còn gần 77 tỷ đồng. Do đó, SGB báo lỗ trước thuế hơn 56 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn "nặng nề" hơn số lỗ cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2020, dù kết quả kinh doanh vẫn sụt giảm so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước và và sau thuế tại SGB đạt 121 tỷ đồng và 97 tỷ đồng, giảm 33%. So với kế hoạch 130 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2020, SGB chỉ mới thực hiện được 93% kế hoạch.