Luật Đất đai: Gỡ 'cục xương' giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư dự án
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), nhiều năm nay, giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư được xem là “cục xương” đối với rất nhiều chủ đầu tư. Luật đất đai đã tạo cơ chế phát triển quỹ đất và tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất sạch.
- Nhiều ý kiến cho rằng nhìn tổng thể, thị trường BĐS TP. HCM hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Hoàng Châu: Dữ liệu cho thấy, tại quý 1/2023 tăng trưởng âm -16,2%; đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng âm -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý I/2023; đến cuối quý 3/2023 tuy vẫn còn tăng trưởng âm -8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường BĐS đã giảm 42,3% so với quý 1/2023. Như vậy, chúng ta đã có thể thấy, mức độ khó khăn có xu thế giảm dần.
- Ông từng chia sẻ hoàn toàn có căn cứ, để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại của thị trường 2024 và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, điều gì khiến ông tin tưởng như vậy?
Tin vui nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) khiến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chúng tôi rất vui mừng, cảm kích. Như vậy, 4 dự án Luật bao gồm Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), và Luật Đất đai (sửa đổi), đã được ban hành bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, sát với thực tế, tạo lập thị trường bền vững.
Thêm vào đó, đi đôi với nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi ngay một số quy định bất cập của các văn bản dưới luật (và xây dựng các văn bản quy định chi tiết thực hiện các luật dự kiến sắp được ban hành) và tiếp tục phát huy hơn nữa hoạt động của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ phát huy được nguồn lực đất đai, tạo điều kiện để tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các “vướng mắc pháp lý”. Một động lực khác là tổng cầu nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của xã hội vẫn rất lớn. Tầng lớp trung lưu vẫn đang tiếp tục xu thế tăng trưởng vững chắc.
- Theo ông, Luật Đất đai (sửa đổi) mới được QH thông qua đã mang lại cho thị trường BĐS và nhà đầu tư thuận lợi gì?
Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng đang gây khó cho thị trường địa ốc. Thứ nhất, Luật đã bổ sung Chương VIII về “phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất” với yêu cầu “việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật” (Điều 112). Nếu thực hiện được nguyên tắc này thì Tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước sẽ trở thành nhà cung cấp quỹ đất lớn nhất trên “thị trường sơ cấp đất đai” phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và thông qua việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất thì toàn bộ “địa tô chênh lệch” sẽ thu vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng, sẽ được sự ủng hộ, đồng thuận của người có đất bị thu hồi và xã hội.
Thêm vào đó, Chương IX Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể việc “giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” (Điều 125) đối với “đất sạch” do Nhà nước tạo lập, hoặc “giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” (Điều 126) đối với “đất chưa giải phóng mặt bằng”. Nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường và trong thời hạn 36 tháng, UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, tái định cư để giao đất.
Đối với doanh nghiệp đây là điểm cực kỳ thuận lợi vì nhiều năm nay, giải phóng mặt bằng là một “cục xương” đối với rất nhiều chủ đầu tư. Hàng trăm dự án chỉ chưa đồng thuận đền bù, chậm giải phóng mặt bằng mà thiệt hại rất lớn về hiệu quả kinh tế. Như vậy, với quy định trên thì Luật đất đai đã tạo cơ chế phát triển quỹ đất và tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất sạch.
Thứ hai, Luật Đất đai 2024 cho phép mở rộng “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất” tại khoản 1 Điều 177 và các quy định về “tập trung đất nông nghiệp”, “tích tụ đất nông nghiệp” tại Điều 177, Điều 192 tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn.
Như vậy, nông nghiệp sẽ phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sẽ tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa và phát triển các khu dân cư nông thôn, làm tăng nhu cầu tạo lập nhà ở của người dân nông thôn, nhất là các nông dân tỷ phú. Đây là một quy định đột phá, tháo gỡ “cái gông” lâu nay trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Chúng ta rất mừng vì nông nghiệp được phát triển nông dân giàu có, mọi người giàu lên thì mới có tiền mua BĐS, điều đó tốt cho đất nước, tốt cho chủ đầu tư và tất cả mọi người.
Thứ ba, Điều 79 Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” đã đảm bảo được tính công khai, minh bạch, dễ giám sát và khắc phục được tình trạng có một số trường hợp địa phương thu hồi đất tràn lan như đã xảy ra trước đây.
- Nhiều ý kiến băn khoăn, khoản 6 Điều 127 quy định “trường hợp để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác” sẽ làm khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn, làm lợi cho các nhà đầu tư đã có sẵn quỹ đất dự án nhà ở thương mại, “chiếm lĩnh thị trường”, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong khoảng 5-7 năm tới đây, e rằng thị trường nhà ở thương mại sẽ tiếp tục thiếu nguồn cung quỹ đất dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở thương mại do chúng tôi tính toán, các tổ chức phát triển quỹ đất chưa thể tạo quỹ đất với tốc độ nhanh đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Do vậy, Hiệp hội rất hoan nghênh Quốc hội cho phép trường hợp xét thấy cần thiết thì Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật Đất đai.
Đặc biệt, đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng ngay một số quy định của Luật Đất đai 2024 như các quy định về định giá đất hoặc các quy định về sử dụng đất để thực hiện dự án lấn biển để tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn. Bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác cũng như mọi tầng lớp người dân. Do đó, thông qua Luật Đất đai sửa đổi là rất tích cực, thể hiện quyết tâm gỡ khó từ Đảng và Nhà nước đã phát huy tác dụng và mang đến nhiều sự hy vọng mang lại chuyển biến tích cực cho thị trường địa ốc 2024.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này