Lướt sóng cổ phiếu HPG, Hóa An từng ghi nhận khoản đầu tư giảm 40,85%

Với nguồn tài chính dồi dào, Hóa An mạnh tay trong việc lướt sóng thị trường chứng khoán và phải nhận trái đắng khi mua cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

 

Hóa An khai thác 3 mỏ đá ở Đồng Nai và Bình Phước: mỏ đá Núi Gió, mỏ đá Tân Cang 3 và mỏ đá Thạnh Phú 2.
Hóa An khai thác 3 mỏ đá ở Đồng Nai và Bình Phước: mỏ đá Núi Gió, mỏ đá Tân Cang 3 và mỏ đá Thạnh Phú 2.

Năm 2023, cổ tức 50% bằng tiền mặt

Tiền thân của CTCP Hóa An (Hóa An) là Xí nghiệp đá Hóa An trực thuộc Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1980. Đến nay, công ty có vốn điều lệ 151 tỷ đồng, tương ứng 15.119.946 cổ phiếu đang lưu hành. Cổ đông lớn là Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - CTCP (Fico) sở hữu 3.758.343 cổ phiếu, tỷ lệ 24,86% và bà La Mỹ Phượng sở hữu 1.381.100 cổ phiếu, tỷ lệ 9,13%.

Hiện nay, Hóa An khai thác 3 mỏ đá ở khu vực Đông Nam bộ là: mỏ đá Núi Gió (xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, đi vào hoạt động từ 1/2011), mỏ đá Tân Cang 3 (Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai, đi vào hoạt động từ 3/2011), mỏ đá Thạnh Phú 2 (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đi vào hoạt động từ 10/2011).

Năm 2023, Hóa An đạt sản lượng 2.201.128 m3 với doanh thu thuần 375 tỷ đồng, giảm lần lượt 5,5% và 3,2% so với năm 2022.

Trong đó, mỏ Núi Gió thực hiện 270.027 m3 với doanh thu 51 tỷ đồng, lợi nhuận 9 tỷ đồng; mỏ Tân Cang 3 thực hiện 849.226 m3 với doanh thu 159 tỷ đồng, lợi nhuận 36 tỷ đồng; mỏ Phú Thạnh 2 thực hiện 1.081.874 m3 với doanh thu 165 tỷ đồng, lợi nhuận 28 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023, Hóa An ghi nhận 87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 66,4% so với năm 2022. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 5.912 đồng, công ty quyết định chi trả cổ tức bằng tiền 5.000 đồng/cổ phiếu.

Thua lỗ chứng khoán

Tại thời điểm 31/12/2023, Hóa An có 469 tỷ đồng tổng tài sản. Trong đó, tiền và tiền gửi ngân hàng lên đến 297 tỷ đồng, chiếm 63,3% tổng tài sản, tương đương mỗi cổ phiếu DHA của Hóa An sở hữu 19.654 đồng tiền mặt.

Ngoài ra, công ty đang sở hữu cổ phiếu của CTCP Gạch men Thanh Thanh và CTCP Du lịch Sài Gòn - Phú Yến với trị giá 8,2 tỷ đồng nhưng trích lập dự phòng đến 2,5 tỷ đồng, tương đương giảm giá 29,9%.

Tuy nhiên, con số dự phòng 2,5 tỷ đồng vào cuối năm 2023 đã cải thiện rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2022 khi khoản đầu tư trị giá 88,5 tỷ đồng nhưng Hóa An phải dự phòng đến 35,7 tỷ đồng, tương đương mức giảm 40,3%.

Giá trị khoản đầu tư 88,5 tỷ đồng gồm: 214.600 cổ phiếu của CTCP Du lịch Phú Yên trị giá 2,1 tỷ đồng; 297.903 cổ phiếu TTC của CTCP Gạch men Thanh Thanh trị giá 6 tỷ đồng và 2,64 triệu cổ phiếu HPG trị giá 80,3 tỷ đồng.

Hóa An bắt đầu mua cổ phiếu HPG vào quý 4/2021 khi cổ phiếu này ở đỉnh cao nhất lịch sử. Hóa An đã mua 300.000 cổ phiếu HPG với giá bình quân 50.877 đồng/cổ phiếu vào quý 4/2021.

Miệt mài trung bình giá xuống cho đến hết quý 3/2022, Hóa An sở hữu 2,64 triệu cổ phiếu HPG với giá trị đầu tư hơn 80,3 tỷ đồng, tương đương 30.433 đồng/cổ phiếu HPG. Đến cuối năm 2022, Hóa An phải dự phòng gần 33 tỷ đồng cho khoản đầu tư này, tương đương mức giảm 40,85% khi HPG chỉ còn 18.000 đồng/cổ phiếu vào 31/12/2022. Còn nếu tính giá thấp nhất của HPG đạt 11.850 đồng/cổ phiếu vào 16/11/2022, khoản đầu tư này của Hóa An giảm hơn 60%.

Đến quý 3/2023, Hóa An bán sạch HPG với giá bình quân 27.504 đồng/cổ phiếu khiến khoản đầu tư này lỗ 7,7 tỷ đồng. Nếu Hóa An giữ lại cổ phiếu HPG đến ngày hôm nay thì khoản đầu tư này đã “về bờ” và có lãi 3 tỷ đồng, đồng thời hứa hẹn giá trị sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Năm 2024, sản lượng khai thác đá chỉ còn 1,41 triệu m3, giảm 35,9%

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Hóa An tổ chức vào tháng 4 vừa qua đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay. Theo đó, công ty đặt kế hoạch sản lượng 1,41 triệu m3 đá, doanh thu thuần 258 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng, đồng loạt giảm 35,9%; 31,4%; 55,9% so với năm 2023. Cổ tức ở mức 2.000-3.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, mỏ Núi Gió đạt 320.000 m3 đá các loại, doanh thu 60 tỷ đồng, lợi nhuận 13 tỷ đồng; mỏ Tân Cang 3 đạt 720.000 m3 đá các loại, doanh thu 141 tỷ đồng, lợi nhuận 22 tỷ đồng; mỏ Thạnh Phú 2 đạt 370.000 m3 đá các loại, doanh thu 57 tỷ đồng, lợi nhuận 10 tỷ đồng.

Trả lời cổ đông về doanh thu kế hoạch năm 2024 của mỏ Thạnh Phú giảm so với 2023; thực trạng pháp lý hiện tại các mỏ đá; giá bán tại mỏ đá Thạnh Phú 2 thấp hơn so với giá bán tại hai mỏ còn lại; kế hoạch đầu tư mỏ mới trong tương lai, đại diện của Hóa An cho biết, hiện tại mở đá Thạnh Phú 2 đã khai thác đa số tới cote -80, trữ lượng khai thác không còn nhiều.

Trong đó, còn một số thửa đất chưa đền bù, một số diện tích đất đền bù chồng lấn giữa mỏ đá Thạnh Phú 2 và mỏ đá của CTCP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC) nên việc khai thác hiện tại khó khăn, dẫn đến sản lượng và doanh thu giảm.

Hiện nay, Hóa An đang trong quá trình làm việc với các Sở, Ban ngành để hoàn thiện các thủ tục gia hạn thuê đất tại mở đá Thạnh Phú 2 và Tân Cang 3. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý các thửa đất công ty đã đền bù tại mỏ Tân Cang 3 để đưa vào khai thác. Về phần diện tích chồng lấn giữa các mỏ, công ty đang kiến nghị Sở, Ban ngành hướng giải quyết.

Do 3 mỏ đá của công ty nằm trên 3 khu vực khác nhau, chất lượng đá khác nhau nên giá bán sản phẩm cũng khác nhau theo từng cụm mỏ.

Hóa An đang ưu tiên xem xét đầu tư vào các mỏ đá mới, song song với đó tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác nếu thấy khả thi.

Đóng cửa ngày 17/5/2024, cổ phiếu DHA của Hóa An đạt 50.000 đồng/cổ phiếu, giảm 8,1% kể từ đầu năm đến nay nên vốn hóa công ty chỉ còn 663 tỷ đồng.

Trong quý 1/2024, Hóa An đạt 82 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước và lợi nhuận đạt 15 tỷ đồng, giảm 24,3%.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống