Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm bình quân từ 0,6 - 0,8%
Tính đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 - 0,8%/năm so với cuối năm 2019. Trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1 - 2,5%/năm.
Từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với nền kinh tế, trên cơ sở diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4%/năm; Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm.
Cùng với việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất. Cụ thể: Philipines giảm 2%; Thái Lan giảm 0,75%, Malaysia giảm 1,25%, Indonesia giảm 1,25%; Ấn Độ giảm 1,15%; Trung Quốc giảm 0,3%.
Về lãi suất cho vay, để hỗ trợ TCTD giảm chi phí có điều kiện giảm nhanh và mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Việc điều hành giảm các mức lãi suất nêu trên cùng với các giải pháp CSTT đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Tính đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 - 0,8%/năm so với cuối năm 2019. Trong đó có một số ngân hàng đã giảm từ 1 - 2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân.
Theo thông tin cập nhật về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 30/11 - 4/12/2020, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của TCTD có xu hướng giảm so với cuối năm 2019.
Hiện, lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 - 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8 - 6,9%/năm.
Đối với lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của TCTD có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0 - 6,0/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6,0%/năm.
Đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ so với mức lãi suất tuần trước, cụ thể: Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,22%/năm và 0,4%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần dao động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể: Lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,11%/năm, 0,14%/năm và 0,23%/năm.