MB và Vietcombank hé lộ chiến lược sau khi nhận chuyển giao 2 ngân hàng '0 đồng'

Sau lễ nhận chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng 0 đồng, các ngân hàng Vietcombank và MB đều đã đưa ra những thông cáo chính thức về kế hoạch sau chuyển giao.

Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, trong thời gian qua, MB và Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện các bước chuyển giao một cách thận trọng, đảm bảo chặt chẽ về điều kiện, trình tự và thủ tục, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Thời gian tới, OceanBank sẽ được tái cơ cấu với chiến lược phát triển dài hạn và được đầu tư bài bản, hướng đến một ngân hàng hiện đại.

Được biết, ông Lê Xuân Vũ, thành viên Ban điều hành MB sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực của OceanBank.

Đại diện MB khẳng định, các quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng tại OceanBank vẫn sẽ được đảm bảo theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật sau chuyển giao. MB sẽ ưu tiên nguồn lực từ phát triển kinh doanh, nguồn vốn, công nghệ, nhân sự,… để hỗ trợ thành viên mới vào tập đoàn.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết, việc nhận chuyển giao Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) sẽ giúp Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới.

Vietcombank và MB lên tiếng sau khi chính thức nhận chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng '0 đồng'
Vietcombank và MB lên tiếng sau khi chính thức nhận chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng '0 đồng'

“CBBank vẫn là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank. Vietcombank thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với CBBank theo quy định. Vietcombank không góp vốn vào CBBank trong thời gian CBBank còn lỗ lũy kế; Vietcombank tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án Chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, Vietcombank thông tin.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng cho biết cả 2 ngân hàng đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan.

Với vị thế chủ đạo trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam và tiềm lực tài chính vững mạnh, việc chuyển giao bắt buộc CBBank cho Vietcombank được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi CBBank, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và cán bộ công nhân viên Vietcombank.

Đến nay, chi tiết về cơ chế hỗ trợ mà 2 ngân hàng Vietcombank và MB nhận được chưa được công công bố. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán Vietcap, các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ hưởng hai nhóm ưu đãi chính: miễn hợp nhất các ngân hàng yếu kém vào báo cáo tài chính và miễn trích lập dự phòng cho các tổ chức yếu kém trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Theo các dự thảo đang được xem xét, TCTD là bên nhận chuyển giao sẽ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đồng thời, mức room ngoại tối đa của những nhà băng nhận chuyển giao được phép vượt quá mức room ngoại tối đa 30% tại các ngân hàng, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.

Đồng thời, do không chịu áp lực về thời gian và được hỗ trợ huy động các nguồn vốn giá rẻ từ NHNN nên các chuyên gia Vietcap cho rằng áp lực lên Vietcombank và MB sẽ được hạn chế. Ngoài ra, Vietcap duy trì quan điểm trung lập trước kế hoạch hỗ trợ lần này, do thông tin hiện chưa đủ để xác định các ưu đãi từ NHNN có thực sự vượt trội hơn so với chi phí và nguồn nhân lực cần thiết để hỗ trợ ngân hàng yếu kém hay không.

Trước đó, ước tính về thời gian xử lý các ngân hàng yếu kém, đại diện Vietcombank cho biết cần không quá 8 - 10 năm để biến tổ chức tín dụng yếu kém trở thành một tổ chức lành mạnh với những chính sách hỗ trợ nhận được.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance