MBBank: Lợi nhuận suy giảm, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 4/2022 vừa công bố của ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank; HOSE: MBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.537,6 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong năm 2022.

Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ xấu nội bảng của MBBank tăng hơn 52% so với hồi đầu năm đạt mức 5.031 tỷ đồng. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) tăng 5,8% lên mức 1.517,2 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) tăng 20,2% đạt mức 1.220,7 tỷ đồng. Đáng chú ý Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) tăng đột biến gấp gần 3 lần lên đến 2.293 tỷ đồng. Do đó, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của nhà băng này tăng từ mức 0,9% hồi đầu năm lên 1,1%.

Ngoài khoản nợ xấu hơn 5.031 tỷ đồng hiện hữu, MBBank cũng đang sở hữu gần 400.257 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Bao gồm bảo lãnh vay vốn (146,1 tỷ đồng), cam kết giao dịch hối đoái (202.660.2 tỷ đồng), cam kết trong nghiệp vụ L/C (28.829,1 tỷ đồng),…

Nợ có khả năng mất vốn và giá trị phát hành trái phiếu của MBBank tăng đột biến trong năm 2022.
Nợ có khả năng mất vốn và giá trị phát hành trái phiếu của MBBank tăng đột biến trong năm 2022.

Theo thuyết minh của BCTC, cho vay khách hàng của MBBank tập trung vào hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tiêu dùng với hơn 150.444 tỷ đồng (chiếm 32,68 %). Cho vay bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác gần 114.652 tỷ đồng (chiếm 24,89%). Kế đến là cho vay trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo hơn 71.318 tỷ đồng (chiếm 14,48%)… MBBank cũng cấp tín dụng cho vay ở lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản gần 31.358 tỷ đồng, chiếm 4,64%.

Mặc dù danh sách các doanh nghiệp nhận vốn từ MBBank qua kênh trái phiếu không được công khai nhưng theo tìm hiểu bất động sản là một trong những điểm đến của dòng vốn này.

Theo BCTC của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand Group, HOSE: NVL), ngân hàng TMCP Quân Đội - Chi nhánh Bắc Sài Gòn đã mua hơn 6.177 tỷ đồng trái phiếu của NovaLand Group. Ngoài ra Công ty CP Chứng khoán MB cũng mua 864 tỷ đồng trái phiếu của NovaLand Group.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của MBBank giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.

Luỹ kế cả năm, nguồn thu chính của MBBank là thu nhập lãi thuần đạt hơn 36.023 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm ngoái. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về khoản lãi 1.704 tỷ đồng, tăng 28%.

Trong khi các khoản thu ngoài lãi khác đều giảm so năm trước. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 5%, xuống còn 4.135,6 tỷ đồng; Lãi từ chứng khoán kinh doanh giảm 36,2% xuống còn hơn 141 tỷ đồng; Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 9% xuống mức 1.315 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác giảm 34%, còn 2.142 tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ các khoản nợ đã xử lý 39%, xuống còn 1.648 tỷ đồng.

Năm 2022, MBBank trích ra 8.047,6 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, thay đổi không quá nhiều so với năm trước. Kết quả MBBank báo lãi trước thuế 22.729 tỷ đồng, tăng 38%.

Giá trị phát hành trái phiếu tăng đột biến

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2022, Ngân hàng MBBank đã phát hành 22 lô trái phiếu với tổng giá trị 14.720 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2021.

Trong khi năm 2021, MBBank đã phát hành 22 lô trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, khối lượng dao động từ 1 đến 1.000 trái phiếu/lô, kỳ hạn 7 năm. Tổng giá trị phát hành trong năm 2021 là 4.750 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, MBBank đã đáo hạn 12 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.789,3 tỷ đồng. Tuy nhiên do giá trị phát hành tăng vọt trong năm 2022 nên mức độ rủi ro từ trái phiếu của MBBank vẫn tăng trưởng mạnh.

Tính đến cuối năm 2022, nợ trái phiếu của MBBank đạt mức hơn 26.048 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với cuối năm 2021.

Kim Thương

Theo Doanh nghiệp Việt Nam