Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu: Bất ngờ với những con số hàng chục nghìn tỷ của VPBank, MBBank…
Khoảng từ tháng 4/2021 đến nay, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank-mã chứng khoán VPB) đã 31 lần phát hành trái phiếu.
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), không chỉ các doanh nghiệp ồ ạt trái phiếu trong mấy năm gần đây mà hệ thống ngân hàng cũng phát hành trái phiếu số lượng rất lớn. Có nhiều ngân hàng huy động cả chục nghìn tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn.
Bất ngờ với con số hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng phát hành
Thống kê của chúng tôi cho thấy, kể từ tháng 9/2021 đến nay, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBank-mã CK: MBB) đã có đến 33 lần phát hành trái phiếu. Tức, bình quân mỗi tháng lại phát hành...vài lần và mỗi lần số lượng trái phiếu lại rất nhiều.
Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4/2022, MBB đã huy động thành công 2.400 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định. Trước đó, vào tháng 12/2021, MBB đã cấp tập phát hành trái phiếu nhưng không phải lần nào cũng thành công. Riêng trong tháng 12/2021, MBB có đến 16 lần phát hành trái phiếu nhưng 8 lần phát hành không thành công và 8 lần thành công huy động được hơn 2.000 tỷ đồng trong đó lần thành công nhất là huy động được 1.000 tỷ đồng, có 3 lần đạt thêm tổng cộng 1.000 tỷ còn 4 lần còn lại số tiền huy động được khá nhỏ giọt, chỉ chưa đầy tổng 100 tỷ.
Khoảng từ tháng 4/2021 đến nay, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank-mã chứng khoán VPB) đã 31 lần phát hành trái phiếu. Huy động vốn trái phiếu của VPBank nhiều hơn rất nhiều so với MBB. Tổng cộng trong vòng 1 năm qua, VPBank đã huy động được con số rất "khủng" với gần 28.000 tỷ đồng! Đa phần trái phiếu của VPBank có thời hạn 3-4 năm và thời gian đáo hạn cho lượng trái phiếu khổng lồ nói trên vào 2024-2025.
Không chỉ VPBank, MBank, rất nhiều ngân hàng khác cũng tham gia vào cuộc đua phát hành trái phiếu. Trong 1 năm qua, ACB cũng huy động được hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu. Đa phần trái phiếu ACB phát hành cũng đáo hạn vào năm 2024.
Hàng loạt các ngân hàng khác cũng phát hành trái phiếu và số lượng cũng tương tự.
Ngân hàng đầu tư chéo vào nhau, vay nhau bằng trái phiếu?
Ngân hàng phát hành trái phiếu lượng lớn như vậy rồi...ai mua? Thông tin người mua không có số liệu cụ thể nhưng, nếu đi "soi" ngược trở lại báo cáo tài chính của các ngân hàng thì đều thấy đặc điểm chung: Ngân hàng phát hành trái phiếu và ngân hàng khác là bên mua lớn và ngược lại. Báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng đều có 2 khoản mục với số liệu rất lớn: Phát hành trái phiếu và đầu tư vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Sự dịch chuyển của dòng tiền ở các ngân hàng, giữa các ngân hàng với nhau vốn dĩ là bình thường nhưng những con số "khổng lồ" này đang khiến cho nhiều người băn khoăn. Liệu, đằng sau những số liệu "khủng" về huy động vốn, cho vay, lợi nhuận...của ngành ngân hàng trong 2 năm gần đây có bao nhiêu phần đến từ hoạt động xoay vòng giữa các bên?