Một quỹ đầu tư Malaysia nắm trên 1% vốn ACB
ACB ghi nhận sự xuất hiện của một quỹ đầu tư ngoại mới đến từ Malaysia sở hữu hơn 45,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 1% vốn điều lệ.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã chứng khoán ACB) vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, tính đến ngày 21/5.
Đáng chú ý, cái tên mới xuất hiện trong danh sách là cổ đông tổ chức Employees Provident Fund Board (EPF) từ Malaysia.
Cụ thể, EPF hiện nắm giữ hơn 45,6 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,021% vốn điều lệ ngân hàng này.
Tạm tính theo thị giá hiện tại của ACB khoảng 25.650 đồng/cổ phiếu, khoản đầu tư của quỹ EPF hiện có giá trị gần 1.200 tỷ đồng.
Theo Bloomberg, Employees Provident Fund Board (EPF) được thành lập vào năm 1951, hoạt động như một công ty quản lý quỹ, phục vụ khách hàng tại Malaysia. Công ty này cung cấp quỹ hưu trí bắt buộc (retirement provident fund) và các dịch vụ tài chính khác.
EPF có nhiệm vụ chính là quản lý quỹ tiết kiệm bắt buộc và kế hoạch hưu trí cho người lao động khu vực tư nhân tại Malaysia.
Quỹ này có xu hướng đầu tư dài hạn và lựa chọn doanh nghiệp có nền tảng tài chính ổn định tại các thị trường mới nổi.
Việc EPF nắm giữ cổ phiếu ACB cũng góp phần phản ánh mức độ hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư dài hạn nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính khu vực đang chứng kiến dòng vốn ngoại luân chuyển mạnh hơn kể từ đầu năm.
Vào đầu tuần đầu tháng 5, ACB cũng cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ khi hai người con của bà Ngô Thu Thuý - Chủ tịch CTCP Âu Lạc nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại ACB lên 2,558% vốn điều lệ. Tính cả người liên quan, nhóm cổ đông này từng nắm giữ hơn 7,8% cổ phần ACB. Nhưng trong đợt cập nhật ngày 21/5, nhóm cổ đông cá nhân này không còn xuất hiện trong danh sách nắm giữ trên 1% vốn.

Về tình hình knh doanh, kết thúc quý I, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.597 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của ACB đạt 891.675 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái. Dư nợ tín dụng của ngân hàng ở mức 598.806 tỷ đồng, tăng 3%; tiền gửi khách hàng đạt 550.375 tỷ đồng, tăng 2%.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu nhóm 3-5 của ACB ở mức 8.844 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với cuối năm 2024, còn 1,48%.
Năm 2025, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành gần 20% chỉ tiêu đề ra.
Ngày 5/6 tới, ACB dự kiến sẽ chỉ 4.467 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho các cổ đông theo tỉ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng.
Ngoài ra, ACB sẽ phát hành thêm tối đa gần 670 triệu cổ phần mới để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới). Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức là quý III/2025.