Năm 2020: Dư nợ tín dụng của doanh nghiệp địa ốc gần 294.000 tỷ đồng
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2020 dư nợ tín dụng của các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản ước khoảng 293.750 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,9% so với cuối năm 2019.
Hiệp hội HoREA vừa có báo cáo cập nhật mới nhất về tình hình thị trường bất động sản, trong đó dẫn các dữ liệu cụ thể về diễn biến tín dụng trên địa bàn TP.HCM.
Theo báo cáo trên, năm 2020 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 2,48 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2019. Mức tăng này thấp hơn năm 2019 (tăng 10,65%) nhưng là mức tăng khá trong điều kiện bị tác động bởi Covid-19.
Trong đó, tín dụng trung dài hạn chiếm khoảng 52%, tăng khoảng 9%; tín dụng ngắn hạn chiếm gần 48%, tăng 6,8% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng, đảm bảo được an toàn tín dụng (nếu loại trừ nợ xấu của nhóm ngân hàng mua lại 0 đồng, thì tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm gần 2%).
Nợ xấu bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dư nợ tín dụng của các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản năm 2020 ước khoảng 293.750 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,9% so với cuối năm 2019 (tăng trưởng thấp hơn mức tăng dư nợ tín dụng bất động sản 9,14% của cả nước).
“Nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, cao hơn tỷ lệ nợ xấu 2,25% của tổng dư nợ tín dụng, tuy vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng có tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay”, HoREA nhận định.
Theo HOREA, trong số 293.750 tỷ đồng trên, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhất là để kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn rủi ro về an toàn tín dụng đối với các khoản vay này.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn, cho thấy các dự án đầu tư có tính chất trung dài hạn, trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng, do các kênh huy động vốn trung dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.
“Đây là điều rất đáng quan ngại, vì có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thị trường bất động sản chưa đảm bảo phát triển ổn định và bền vững”, HoREA đánh giá.
Mặt khác, theo HoREA, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành thành công trong 10 tháng năm 2020 đạt gần 351.000 tỷ đồng, tăng 68% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản có giá trị phát hành đạt 63.155 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 19,5% tổng giá trị phát hành, đứng thứ 2 toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (sau ngành tài chính - ngân hàng).
Tuy nhiên, hơn 50% nhà đầu tư cá nhân chọn mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và tỷ trọng nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân tăng mạnh từ tháng 7/2020 đến nay.
Trong khi hầu hết nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đầu tư trái phiếu vốn là sân chơi của người chuyên nghiệp và thường đầu tư vào trái phiếu có lãi suất cao. Do đó, rủi ro thường rơi vào thời điểm đáo hạn trái phiếu, nhất là đối với các trái phiếu cam kết trả lãi cao, mà doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, hoặc thiếu các biện pháp đảm bảo rủi ro cho nhà đầu tư.
Để tăng cường công tác quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 81/2020/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2020) đã quy định chặt chẽ các điều kiện phát hành, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu bất động sản sẽ được kiểm soát rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả hơn trước đây.