Năm 2023, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2%

Ngoài việc đặt mục tiêu 20.058 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ACB còn thực hiện tăng vốn để trả cổ tức năm 2022 với hình thức 15% bằng cổ phiếu và 10% tiền mặt.

 

Lợi nhuận trước thuế của ACB giai đoạn 2007 - 2022 và kế hoạch 2023 (đơn vị tính: tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế của ACB giai đoạn 2007 - 2022 và kế hoạch 2023 (đơn vị tính: tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 13/4/2023.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,02% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,15%. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14,5% so với cuối năm 2021 và tiền gửi khách hàng tăng khoảng trên 6%.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đó, ACB tiếp tục tăng trưởng về quy mô, đạt lợi nhuận cao và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn. Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản đạt 607.875 tỷ đồng (tăng 80.105 tỷ đồng, tăng 15,18% so với đầu năm 2022); tiền gửi của khách hàng 413.953 tỷ đồng (tăng 34.032 tỷ đồng, tăng 8,96%); cho vay khách hàng 413.706 tỷ đồng (tăng 51.794 tỷ đồng, tăng 14,31%); vốn chủ sở hữu 58.439 tỷ đồng (tăng 13.538 tỷ đồng, tăng 30,15%).

Kết thúc năm 2022, ACB đạt 17.114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 42,6% so với năm 2021 và vượt 14% kế hoạch 15.018 tỷ đồng đã trình đại hội đồng cổ đông. Năm vừa qua, ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm 6.755 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 25%. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của ACB đạt 33.774 tỷ đồng - xếp thứ 4 trong các ngân hàng tư nhân, sau VPBank, MB và Techcombank.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP đạt 6,5% và CPI tăng 4,5%. Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng 14 - 15% có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở này, ACB đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 10%, đạt 668.788 tỷ đồng; tiền gửi (gồm giấy tờ có giá) tăng 8,1%, đạt 495.411 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 9,7% (hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp cho ACB vào ngày 24/2/2023), đạt 453.836 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 17,2% và đạt 20.058 tỷ đồng.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 và dự kiến cho năm 2023, ACB đều thực hiện chia cổ tức ở mức 25%, gồm: 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Số tiền để chi cổ tức năm 2022 là 8.444 tỷ đồng, gồm: 3.377 tỷ đồng tiền mặt và 5.066 tỷ đồng bằng cổ phiếu được thực hiện bằng việc phát hành 506.615.264 cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 15%. Dự kiến quý 3 năm nay sẽ thực hiện và vốn điều lệ của ACB tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.841 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đến năm 2024, vốn điều lệ của ACB tăng từ 38.841 tỷ đồng lên 44.667 tỷ đồng khi thực hiện chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.

Danh sách 9 ứng viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Danh sách 9 ứng viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 sẽ bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028. HĐQT gồm 9 thành viên với sự góp mặt 6/7 thành viên từ HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 là ông Trần Hùng Huy, ông Nguyễn Thành Long, bà Đinh Thị Hoa, ông Hiep Van Vo, bà Đặng Thu Thủy và ông Đàm Văn Tuấn (không có ông Huang Yuan Chiang, thành viên HĐQT độc lập). Ba nhân sự mới là ông Đỗ Minh Toàn, ông Nguyễn Văn Hòa và ông Trịnh Quốc Bảo.

Ba ứng viên BKS nhiệm kỳ mới đều là ba thành viên BKS đương nhiệm: ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, bà Nguyễn Thị Minh Lan và bà Hoàng Ngân.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống