NCB lên tiếng về các khoản vay của Tập đoàn FLC

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – Mã CK: NVB) vừa lên tiếng về việc cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC (FLC Group) sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Các khoản vay của FLC tại NCB đều có tài sản đảm bảo

Cụ thể, NCB cho biết, thời gian qua, NCB đã cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Các khoản cấp tín dụng này đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định nội bộ của NCB và đều có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của NCB.

FLC hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong suốt hai năm vừa qua.

NCB lên tiếng về các khoản vay của Tập đoàn FLC - Ảnh 1
Các khoản vay của FLC tại NCB đều có tài sản đảm bảo

NCB đánh giá, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, các hoạt động du lịch và hàng không đều đã dần khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường; doanh nghiệp có nguồn thu và dòng tiền để tự tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng.

NCB khẳng định luôn tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm với phát triển kinh tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NCB luôn coi trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đối tác, cổ đông.

Theo báo cáo tài chính quý IV của FLC, Tập đoàn vay nợ ngân hàng khoảng 6.200 tỷ đồng, chiếm gần 26% nợ phải trả. Các ngân hàng cấp tín dụng cho FLC gồm: Sacombank, BIDV, OCB, NCB, Agribank,... Dư nợ của FLC tại NCB vào cuối năm 2021 là 634 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng lên tiếng về các khoản vay của FLC

Trước đó, một số ngân hàng cũng lên tiếng về các khoản vay của FLC ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Theo đó, ngày 30/3, Sacombank đã có thông tin chính thức xung quanh các khoản vay của Tập đoàn FLC.

Theo Sacombank, trong năm 2021, ngân hàng này đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group và việc cho vay này phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với vấn đề kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch. Theo BCTC hợp nhất quý 4/2021 của Sacombank, Tập đoàn FLC đang nợ ngân hàng này khoảng 1.840 tỉ đồng. Với số dư nợ này, Sacombank là chủ nợ lớn nhất của FLC tính tới cuối năm 2021.

Sacombank khẳng định, đến nay, FLC Group vẫn đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Ngân hàng này lý giải, như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngân hàng.

NCB lên tiếng về các khoản vay của Tập đoàn FLC - Ảnh 2
Tập đoàn FLC đang nợ Sacombank khoảng 1.840 tỉ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chiều 30/3 cũng lên tiếng chính thức xung quanh khoản vay của tập đoàn FLC tại ngân hàng này. Theo đó, dư nợ của FLC tại OCB tính tới cuối năm 2021 là 1.392 tỉ đồng, chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra, một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways.

Trong đó có khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways (BVA) với tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng bất động sản mà ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại ngân hàng này, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản bảo đảm là ngân hàng đã có khả năng thu hồi nợ.

OCB cho biết, tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà ngân hàng này nhận về để bảo đảm cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỉ đồng, chủ yếu nhằm bổ sung thêm tài sản bảo đảm cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo OCB, FLC vẫn luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. Riêng với cổ phần của Bamboo Airways, lãnh đạo ngân hàng OCB nhận định thêm đây là hãng hàng không tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế và ngành du lịch, hàng không hồi phục, cổ phiếu của hãng không phải là không có giá trị. Vì vậy, đến thời điểm này, OCB không có ý định bán giải chấp cổ phiếu và tiếp tục theo dõi sát sao để bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng.

NCB tăng vốn thành công lên 5.600 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán của NCB, kết thúc năm tài chính 2021, hoạt động kinh doanh của NCB vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định do Ngân hàng đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tập trung tăng trưởng tài sản có sinh lời, đẩy mạnh thu nhập từ phí và tiết kiệm chi phí.

Năm 2021 cũng là năm ghi nhận những bước tiến vượt bậc của NCB trong hành trình chuyển đổi số. NCB là một trong những ngân hàng tiên phong trong ứng dụng eKYC vào xác thực thông tin khách hàng, và là một trong hai ngân hàng đầu tiên triển khai phương thức thanh toán trực tuyến bằng mã VietQR trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia… Các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng số của NCB nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng, mang đến nhiều tiện ích và giá trị vượt trội cho khách hàng cá nhân cũng như khách hàng doanh nghiệp.

Bên cạnh những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, năm vừa qua NCB cũng cho thấy nhiều điểm sáng trong việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đồng thời Ngân hàng đã trích lập dự phòng đối với toàn bộ danh mục tín dụng bao gồm các khoản của khách hàng bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh Covid-19.

Vừa qua, NCB đã chào bán thành công 150 triệu cổ phiếu NVB cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu và thu về 1.500 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ ngân hàng, đưa vốn điều lệ ngân hàng lên mức 5.600 tỷ đồng, đang dần vươn lên trở thành một trong những ngân hàng tầm trung tại Việt Nam.

Ninh Ngọc